Trong một tuyên bố chung được phát đi sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Washington cho biết nước này sẽ cung cấp cho Ukraine các phương tiện chiến đấu bộ binh Bradley trong khi Đức sẽ cung cấp cho đồng minh Kiev các phương tiện chiến đấu bộ binh Marder.
Gói vũ khí của Mỹ sẽ được công bố trong ngày hôm nay (6/1) và dự kiến sẽ bao gồm khoảng 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley. Đây là một phần trong gói hỗ trợ an ninh có tổng trị giá khoảng 2,8 tỷ USD, các quan chức Mỹ tiết lộ.
Tổng thống Biden đã nói với các phóng viên rằng: “Hiện tại cuộc chiến ở Ukraine đang ở thời điểm quan trọng. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để giúp người Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga."
Cả hai nước Mỹ và Đức đã nhất trí sẽ huấn luyện cho lực lượng binh sĩ Ukraine cách sử dụng các phương tiện chiến đấu mà họ cung cấp cho quân đội Kiev. Ngoài ra, Đức cũng sẽ cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Trước đó, Kiev cũng tiết lộ Mỹ đã khởi động các hoạt động chuẩn bị cho việc bàn giao tên lửa cực mạnh Patriot cho Ukraine. Các lực lượng trung thành với chính quyền Kiev đã đạt được một số bước tiến trên chiến trường kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng Hai. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Zelensky đang yêu cầu các đồng minh cung cấp vũ khí hạng nặng hơn để giúp họ chống lại Nga.
"Tổng thống Biden và Thủ tướng Scholz bày tỏ quyết tâm chung là tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cần thiết cho Ukraine chừng nào nước này còn cần", tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Đức đã nói như vậy.
Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskiy bày tỏ sự đánh giá cao đối với đóng góp của Đức. Ông này viết trên Twitter rằng, "Đức đang góp phần quan trọng trong việc đánh chặn tất cả các tên lửa của Nga!"
Quyết định trên được công bố sau khi chính phủ của Thủ tướng Scholz phải đối mặt với nhiều lời kêu gọi từ trong liên minh ba bên của ông nhằm tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine sau khi Pháp tuyên bố gửi xe chiến đấu bọc thép hạng nhẹ AMX-10 RC cho Kiev.
Thủ tướng Scholz đã tăng chi tiêu quốc phòng và gửi viện trợ cũng như vũ khí cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra hồi tháng Hai. Tuy nhiên, cũng giống như các cường quốc phương Tây khác, Đức đôi khi do dự trong vấn đề cung cấp vũ khí mạnh cho đồng minh Ukraine vì lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.
Nhà lãnh đạo của Đức cũng nói rõ rằng ông không muốn đơn độc gửi vũ khí hạng nặng đến Ukraine và ông này sẽ phối hợp hành động cùng với các thành viên khác trong liên minh NATO.
Trong chuyến thăm đến thủ đô London, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Ukraine phải được cung cấp vũ khí không chỉ để tự vệ mà còn để giải phóng các khu vực của nước này đang nằm dưới sự chiếm đóng của Nga.
Thông tin về việc Mỹ và Đức nhất trí cung cấp phương tiện chiến đấu cho Ukraine được tung ra sau khi Pháp tuyên bố sẽ chuyển giao 'xe tăng hạng nhẹ' AMX-10 do nước này sản xuất cho Kiev. Như vậy, Pháp sẽ trở thành nước thành viên NATO đầu tiên cung cấp cho Ukraine xe thiết giáp không phải do Liên Xô sản xuất.