Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 10/9 tuyên bố, nước này sẵn sàng làm trung gian để giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Theo bà Merkel,nNhóm P5+1 đã giải quyết rất hiệu quả chương trình hạt nhân của Iran thông qua đàm phán ngoại giao. Do đó, mô hình này có thể áp dụng để giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Bà Merkel cũng nhấn mạnh Liên minh châu Âu và đặc biệt là Đức cần sẵn sàng tham gia tích cực để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Đây không phải lần đầu tiên nguyên thủ của một quốc gia châu Âu nêu sáng kiến về giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao. Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng nêu ra quan điểm tương tự khi kêu gọi các bên liên quan chấm dứt quân sự hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Putin nhấn mạnh, vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên chỉ có thể giải quyết triệt để bằng con đường đối thoại, đồng thời cảnh báo các bên nếu giải quyết vấn đề này bằng biện pháp quân sự, trừng phạt hay đe dọa sẽ là một sai lầm và không có triển vọng.
Trong bối cảnh trên, Nga và Trung Quốc đã đề xuất một lộ trình để làm giảm căng thẳng, xây dựng cơ chế hòa bình và an ninh bền vững trên bán đảo này thông qua giải pháp đối thoại chính trị - ngoại giao. Nga và Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan và cộng đồng quốc tế ủng hộ sáng kiến này.
Tuy nhiên, việc Triều Tiên mới đây tiếp tục công bố các thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, có thể được sử dụng để sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa, đã làm tình hình trên bán đảo này trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Hành động của Triều Tiên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Mỹ đã đề nghị Liên hợp quốc triệu tập phiên họp khẩn về vấn đề này, đồng thời đệ trình dự thảo nghị quyết trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào hôm nay (11/9)./.