Đức đưa ra nhận định về thời điểm kiểm soát dịch COVID-19

Phương Hoa |

Giới chức y tế và chính trị gia của Đức đã từng hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào mùa Xuân năm 2022. Tuy nhiên, theo các nhà dịch tễ học, biến thể Omicron được Nam Phi phát hiện hồi tháng 11 vừa qua có thể làm phức tạp thêm tình hình và khó dự đoán về thời điểm Đức có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 3/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 3/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn phát biểu của chuyên gia dịch tễ của Đức, ông Christian Drosten cho biết đại dịch ở Đức có thể kéo dài thêm một thời gian, thậm chí đến mùa Hè năm 2022. Theo ông Drosten, biến thể Omicron có thể sẽ tiếp tục bùng phát thành một đợt dịch lớn. Tương lai của cuộc khủng hoảng y tế hiện nay phụ thuộc vào sự lây lan của biến thể mới phát hiện này.

Chuyên gia dịch tễ Drosten, làm việc tại Bệnh viện Charité ở Berlin, cho biết tại Nam Phi, tỷ lệ nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng mạnh mặc dù nước này đã bắt đầu mùa Hè, vì thế tại thời điểm hiện tại, khó có thể dự báo đại dịch tại Đức sẽ kết thúc vào mùa Xuân tới.

Biến thể B.1.1.529, được đặt tên là Omicron, lần đầu tiên được Nam Phi công bố ngày 23/11, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là biến thể “cần quan tâm”. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) lo ngại rằng biến thể này có thể làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccine và làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Tuy nhiên, tác động chính xác của biến thể cho đến nay vẫn chưa được khẳng định. Chuyên gia dịch tễ Drosten nói: “Từ tháng 1/2022, nước Đức có thể gặp nhiều khó khăn với biến thể Omicron và đây là lý do khiến chúng tôi cần phải điều chỉnh các loại vaccine hiện có”. Theo ông Drosten, một thế hệ vaccine thích ứng mới có thể được sử dụng từ quý II/2022.

Trước đó, Giáo sư Alex Sigal, người đứng đầu một phòng thí nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi ở Nam Phi, ngày 7/12 cho biết biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể “né tránh một phần” sự phòng ngừa của vaccine ngừa COVID-19 Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, chuyên gia của WHO cho biết các loại vaccine hiện có vẫn có thể bảo vệ những người nhiễm biến thể Omicron rơi vào tình trạng bệnh nặng. Bên cạnh đó, ECDC và Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu đều cho rằng sự kết hợp giữa vaccine tạo ra lượng kháng thể tốt vô hiệu hóa biến thể. Điều đó cho thấy việc tiêm mũi tăng cường có thể mang lại lợi ích đáng kể.

Theo thống kê mới nhất của Viện Robert Koch, tính đến ngày 7/12, đã có 69,2% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ Liên bang và các tiểu bang đặt mục tiêu tiêm 30 triệu liều vaccine trước Giáng sinh năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại