Biểu ngữ của các nhà yêu môi trường trước nhà máy xử lý nguyên liệu hạt nhân ở bang Lingen, gần biên giới Đức - Hà Lan - Ảnh: DW
Tuy nhiên do EU không cấm việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga nên không có căn cứ để ngăn chặn con tàu.
Theo Hãng tin AP, lô hàng uranium được vận chuyển trên con tàu chở hàng lớn của Nga là tàu Mikhail Dudin. Tàu hiện đang cập cảng Dunkirk của Pháp trước khi hướng đến nhà máy xử lý vật liệu hạt nhân ở bang Lingen, gần biên giới Đức - Hà Lan.
Ngày 12-9, người phát ngôn của Bộ Môi trường Đức, ông Andreas Kuebler cho biết Đức không có cơ sở pháp lý để ngăn việc vận chuyển uranium từ Nga.
Theo kế hoạch, lô hàng được xử lý tại một nhà máy ở Đức, nhưng nhiên liệu hạt nhân không bị Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu nên không có căn cứ để ngăn chặn con tàu.
Con tàu và lô hàng cũng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn, do đó nhà chức trách Đức phải làm đúng thủ tục cấp phép cho tàu vào Đức.
Nhà máy ở bang Lingen do Công ty Framatome điều hành và chủ sở hữu là tập đoàn điện lực khổng lồ EDF của Pháp. Chính phủ Pháp có phần lớn cổ phần trong EDF, công ty quản lý tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Pháp.
Các nhóm môi trường, trong đó có tổ chức Ecodefense của Nga kêu gọi các nước châu Âu chấm dứt mọi hoạt động mua uranium từ Nga.
Người phát ngôn của Chính phủ Đức Christiane Hoffmann cho biết Đức liên tục xem xét liệu các lệnh trừng phạt có cần mở rộng thêm không, nhưng từ chối tiết lộ liệu EU có cấm nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga hay không.
Cho đến nay, EU đã công bố 7 gói trừng phạt nhằm vào Nga để phản đối Nga tấn công Ukraine.
Các hàng hóa bị trừng phạt gồm vàng và vàng trang sức, dầu mỏ, than đá, sắt, thép, hàng xa xỉ... cấm không phận với máy bay Nga, cấm một số biện pháp tài chính, cấm tàu Nga tiếp cận các bến cảng EU, cấm tàu EU chở hàng hóa Nga…