UAE đã trở thành 'nơi trú ẩn' an toàn của giới nhà giàu Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Ảnh: Bloomberg
Theo trang Al Jazeera, từng là trung gian kết nối các nhà sản xuất Nga với khách hàng trên khắp thế giới trong suốt nhiều tập kỷ, giờ đây, Thụy Sĩ đang tuân theo các lệnh cấm của Liên minh châu Âu nhắm vào hàng xuất khẩu từ Moskva. Động thái này đã khiến các nhà kinh doanh hàng hóa Nga gấp rút rời đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ở Vịnh Ba Tư để thành lập doanh nghiệp.
Trong số đó, 3 nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga đang trong quá trình đánh giá hoạt động thương mại ở Dubai và một số công ty khác đã chuyển đến đây.
Ông Wouter Jacobs, Giám đốc Trung tâm Thương mại Erasmus ở Rotterdam cho biết: “Giao thương vẫn sẽ tiếp diễn. Song khu vực pháp lý Trung Đông sẽ trở nên quan trọng hơn đối với việc kinh doanh hàng hóa Nga”.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga ngày càng mạnh mẽ đã khiến việc giao thương của các công ty thuộc sở hữu nhà nước Nga trở nên khó khăn hơn, bao gồm cả những công ty vận chuyển. Song điều này đã tạo cơ hội cho UAE - quốc gia né tránh áp đặt lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể Nga. Đồng thời, quá trình dịch chuyển này cũng gia tăng khả năng cạnh tranh đối với Thụy Sĩ, với tư cách là một trung tâm kinh doanh hàng hóa toàn cầu từ trước đến nay.
Các lệnh trừng phạt của Thụy Sĩ
Dù tuyên bố trung lập và không cho phép chuyển vũ khí đến khu vực xung đột, nhưng Thụy Sĩ đã theo sát EU trong việc áp đặt các hạn chế ngày càng nghiêm ngặt đối với một số mặt hàng, ngân hàng và cá nhân “thân cận” với Điện Kremlin.
Để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, EU tuyên bố đến cuối năm 2022, khối này sẽ áp hạn chế cấm cung cấp bảo hiểm và tài trợ cho việc vận chuyển dầu của Nga đến các quốc gia ngoài khối. Thụy Sĩ tuyên bố họ cũng sẽ đưa ra động thái tương tự. Người phát ngôn của Ban Thư ký Nhà nước về Các vấn đề kinh tế của Thụy Sĩ cho biết: “Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ thông báo họ sẽ thực hiện điều tương tự và đây là một phần của của các lệnh trừng phạt. Chúng tôi sẽ đưa tất cả các sắc lệnh của Liên minh châu Âu vào luật của Thụy Sĩ”.
Theo giới chuyên gia, nếu tất cả các biện pháp trừng phạt này được áp đặt, điều đó có thể khiến giao dịch dầu mỏ với Nga trở nên khó khăn hơn. Cùng với đó, lệnh cấm hoàn toàn của Thụy Sĩ đối với hoạt động môi giới, bán hàng và cung cấp dịch vụ tài chính đối với than của Nga đã được công bố vào tháng 4, cũng góp phần khiến một số doanh nghiệp chuyển đi nơi khác.
“Thương vụ mua bán năng lượng giữa Nga và Trung Quốc thông thường được thực hiện bởi một công ty trung gian ở Thụy Sĩ, với sự hỗ trợ tài chính từ một chủ ngân hàng ở London. Nhưng giờ đây, ai muốn thực hiện điều đó?”, ông Jacobs nói. “Có khả năng những nhà kinh doanh phù hợp sẽ nhất thiết phải chuyển đến một khu vực pháp lý mới.”
Các doanh nghiệp trong cơn "sốt" dịch chuyển
Litasco, chi nhánh bán hàng và thương mại của Tập đoàn năng lượng khổng lồ Lukoil của Nga, cũng chuẩn bị chuyển một số nhân viên kinh doanh và hoạt động từ Geneva đến Dubai với dự định biến nơi này thành trung tâm trung tâm mới của công ty. Đồng thời, giới chức cũng muốn mở rộng dựa trên một số lượng nhỏ thương nhân ở đó. Lukoil là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Nga.
Một công ty nổi tiếng khác ở Geneva - Solaris Commodities, nhà kinh doanh ngũ cốc Nga, đã mở văn phòng ở Dubai vào tuần trước. Mặc dù các lệnh trừng phạt không nhắm đến sản phẩm nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp này đã gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn tài chính do các ngân hàng Thụy Sĩ “né” các mặt hàng Nga.
Các thị trấn khác của Thụy Sĩ cũng đang chứng kiến làn sóng doanh nghiệp Nga “dứt áo ra đi”. Zug - từ lâu là một trung tâm giao dịch hàng hóa với mức thuế cực thấp, nổi tiếng trên toàn cầu từ những năm 1980 - cũng đang tìm đến Trung Đông.
Suek AG có trụ sở tại Zug, nhà tiếp thị than độc quyền từ nhà sản xuất lớn nhất của Nga, đang lên kế hoạch thành lập một doanh nghiệp thương mại ở Dubai. EuroChem Group AG, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới có phần lớn tài sản ở Nga, cũng đang thành lập một liên doanh có trụ sở tại Dubai. Cả hai tập đoàn này trước đây đều thuộc sở hữu của tỷ phú Andrey Melnichenko cho đến khi chiến sự nổ ra.
Chiến lược của Dubai
Kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, UAE đã thu hút không ít giới nhà giàu Nga. Giờ đây, các doanh nghiệp nhà nước và các công ty hàng hóa tư nhân cũng đang chạy theo xu hướng này - chuyển sang Dubai để tránh lệnh trừng phạt.
Chính vào thời điểm này, UAE đã phát triển nhiều cơ sở hạ tầng tài chính. Trong những năm gần đây, vác ngân hàng của các tiểu vương quốc này cũng phát triển nhanh chóng và trở thành trụ cột chính trong tài trợ thương mại hàng hóa . Dubai có rất nhiều khu thương mại tự do, vị trí gần các nhà sản xuất năng lượng Trung Đông và mức thuế thấp hấp dẫn, ngay cả khi thành phố vẫn có cơ sở để tạo nên các trung tâm toàn cầu như Singapore, London, Geneva và Stamford. Năm ngoái, Trung tâm Đa hàng hóa Dubai đã tổ chức một sự kiện với Phòng Thương mại Moskva nhằm thu hút các doanh nghiệp Nga thành lập công ty tại đây.
“Dubai đã xuất hiện như một trung tâm hàng hóa toàn cầu thực sự. Dubai cũng sở hữu các cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông và dịch vụ phù hợp để hỗ trợ các công ty này”, ông Najla Al Qassimi, Giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu của Viện Nghiên cứu B’huth có trụ sở tại Geneva, nhận định.