"Mình và vợ đã kết hôn được hơn 5 năm, nhưng chưa bao giờ phải cãi nhau trong chuyện tiền bạc. Vợ thì khá công tâm, bất kỳ khoản tiền nào cũng sẽ biết nội ngoại bằng nhau. Nhưng mình thì lúc nào cũng thêm 1 khoản nữa để biếu bên ngoại. Vì nhà nội có điều kiện hơn 1 chút. Quà mừng những ngày lễ cho vợ cũng không thiếu lần nào. Chủ yếu, là vì không muốn vợ thua thiệt bất cứ ai. Cũng chẳng bao giờ cần giấu quỹ đen cả, vì tụi mình có cách phân chia tài chính trong gia đình hợp lý. Vừa đủ để chi tiêu chung, vừa có khoản riêng để phục vụ nhu cầu cá nhân". Chia sẻ từ Bảo Nguyễn (28 tuổi, Hà Nội) trong chuyện quản lý tiền bạc của gia đình.
Còn với Hoàng Dũng (25 tuổi, Hải Dương), anh bạn không cho rằng khoản tiền nào không "nộp" cho vợ thì gọi là quỹ đen: "Mình thấy rằng khoản tiền của mình làm ra, dùng để tiêu xài cho những việc tốt, đáng trân trọng thì không nên coi là quỹ đen. Nếu 1 trong 2 có lý do gì khó nói, không muốn chia sẻ cùng nửa kia mà âm thầm giải quyết, thì việc chuẩn bị tài chính thế nào cho khéo cũng rất quan trọng. Như cá nhân mình, tiền lương hàng tháng vẫn chia đôi để đưa vợ, quà cáp cho những ngày lễ đều tự chuẩn bị".
Không giấu quỹ đen để tránh mâu thuẫn gia đình
Thẳng thắn là tiền đề xây dựng nên sự tin tưởng của đối phương. 5 năm bắt đầu hôn nhân, cũng là 5 năm vợ chồng Bảo Nguyễn luôn lựa chọn chia sẻ mọi chuyện về tiền bạc, tình cảm. Bảo cho biết:
"Mình chứng kiến bạn bè có những người không tâm lý trong chuyện tiêu tiền cho vợ thế nào. Vì vậy, dẫn đến những cuộc cãi vã không nên có. Thật sự, mỗi lần nghe về điều đó, mình đều phải tự nhắc nhở bản thân không được để vợ hay nhà ngoại thiệt thòi.
Ảnh minh họa Pinterest
Trong gia đình mình, vợ là người giữ hầu như là mọi khoản chi tiêu chung. Từ tiền ăn uống, sinh hoạt phí gia đình, đến các khoản tài sản mà cả 2 cùng đứng tên,... Còn mình là người sẽ đem tiền về nhà, góp hết và quy về 1 mối để vợ giữ. Tuy nhiên, tụi mình cũng thống nhất với nhau là giữ lại ít nhất 10% tổng thu nhập để cả 2 có khoản xoay xở cho sở thích cá nhân. Chính vì thế, những ngày lễ lúc nào vợ cũng có quà. Đó là số tiền mình giữ lại để dự phòng rủi ro là chính, chứ không phải quỹ đen mà mọi người hay bàn tán".
Với Hoàng Dũng thì không có khái niệm quỹ đen. "Dù không đưa hết lương cho vợ. Khoản tiền được để riêng ra luôn được dùng vào những trường hợp khẩn cấp, dự phòng rủi ro. Trước khi cưới, tụi mình đều đồng ý rằng chỉ trích 1 phần lương để góp vào quỹ gia đình. Số còn lại tiêu thế nào thì sẽ không ai quản. Trừ trường hợp đó là số tiền lớn. Vì sẽ có nhiều lần bạn không thể giãi bày chuyện tiền nong với chính vợ mình.
Mình luôn chia khoản tiền riêng này làm 2 phần: 1 để chi trả cho quà cáp ngày lễ, ăn sinh nhật vợ con, hay mua những món đồ dùng cho gia đình. 1 phần còn lại, dùng để tiêu cho những sở thích cá nhân, như giày dép, quần áo hoặc máy chơi game,... Thật ra, mình nghĩ ai cũng sẽ có những lần tiêu tiền khó nói, chẳng thể lúc nào cũng ngửa tay xin tiền vợ. Ví dụ như lỡ đam mê món đồ công nghệ, hay bạn bè nhậu nhẹt, cafe,... Bớt đi 1 khoản, sẽ bớt đi những suy nghĩ về sự phung phí cá nhân. Từ đó tránh được những tranh cãi về chuyện tiền nong đau đầu".
Quản lý tài chính gia đình làm sao để ai cũng có tiền tiêu?
"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", ai cũng sẽ có 1 cách quản lý tiền bạc riêng phù hợp với mình.
Có những gia đình nguồn thu chỉ tập trung duy nhất vào 1 người, nên hầu như sẽ chọn cách quy về 1 mối để quản lý. Nhưng hầu như trong thời hiện đại, ai cũng sẽ có nguồn thu nhập cá nhân riêng. Từ đó, cách phân chia quỹ chung, quỹ riêng trở nên phổ biến. Đây cũng là phương pháp mà gia đình của Bảo Nguyễn và Hoàng Dũng sử dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ các con số là khác nhau.
Tính toán tỷ lệ quỹ chung, quỹ riêng hợp lý. (Ảnh minh họa Pinterest)
Ví dụ, trong gia đình Bảo Nguyễn, 2 vợ chồng anh chọn góp đến 90% thu nhập cá nhân vào quỹ chung, và chỉ giữ lại 10% để tiêu xài riêng. Với Bảo, vì vợ anh là người quản lý hầu hết mọi chi tiêu trong nhà, nên sự phân bổ tỷ lệ này là khá hợp lý.
Còn Hoàng Dũng, tỷ lệ quỹ chung: quỹ riêng là 50:50. Vì chưa có con nên nhu cầu cá nhân của mỗi người là cao hơn.
Để lựa chọn được con số hợp lý nhất cho gia đình bạn, hãy lên danh sách các khoản tiền cần chi tiêu chung trong 1 vài tháng. Sau đó, lọc ra những chi tiêu cố định và linh hoạt. Từ danh sách và lịch sử chi tiêu của cả gia đình, ước lượng ra 1 con số cần cho quỹ chung mỗi tháng. Không cần quá chính xác vì có thể điều chỉnh tùy ý. Về tỷ lệ đóng góp, không nhất định con số mà 2 bên đưa ra phải bằng nhau.
Nếu như ai có thu nhập cao hơn, có thể nhận trách nhiệm góp nhiều hơn để người kia bớt đi gánh nặng về tài chính. Miễn sao cả hai đều thoải mái và cảm thấy không có vấn đề gì quá nghiêm trọng. Một khi tìm được tỷ lệ thích hợp, hãy cam kết đóng góp đầy đủ vào quỹ. Trừ khi tài chính của 1 trong 2 thay đổi thì tìm cách điều chỉnh lại.
Nếu chiếu theo phương pháp này, trừ đi khoản quỹ chung cần đóng góp thì phần còn lại của thu nhập sẽ được sử dụng tùy ý theo nhu cầu riêng. Nhưng không cần quá cứng nhắc trong việc quỹ chung và quỹ riêng. Đôi khi, quỹ riêng được lập ra nhưng vẫn được sử dụng vào mục đích chi tiêu của cả gia đình. Như Bảo và Dũng đều sử dụng để mua quà tặng vợ, biếu thêm nhà ngoại, chi trả tiền để mua 1 chuyến du lịch cho cả nhà,...
Dũng chia sẻ thêm: "Nhớ những ngày trước khi cưới, mình và vợ đều từng chia sẻ tài chính với nhau. Ví dụ như nếu trong 1 chuyến du lịch, mình trả tiền vé máy bay, thì vợ mình sẽ trả tiền khách sạn". Điều quan trọng là đừng để chuyện tài chính trở thành gánh nặng kìm kẹp hạnh phúc gia đình, mà hãy sử dụng linh hoạt khi cần thiết!