Đua nhau bắt trend các trào lưu quái dị trên mạng xã hội: Người trẻ trả giá đắt

Nhật Thùy/VTC News |

Từ những thử thách ăn uống nguy hiểm đến các hành động ngông cuồng, nhiều bạn trẻ không ngần ngại thực hiện chỉ để thu hút sự chú ý, câu view trên mạng.

Mạng xã hội ngày càng phổ biến nhiều trào lưu mang lại niềm vui và sự gắn kết cho cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều trào lưu độc hại, quái dị, thậm chí gây nguy hiểm cho người tham gia.

Trào lưu độc hại trên mạng gây hậu quả khôn lường

Một trong những ví dụ điển hình gần đây là trào lưu "bắt pen" đang gây sốt trên mạng xã hội TikTok. Khi chơi trò này, một người sẽ thực hiện việc ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc "phê pha" giả tạo. Điều đáng lo ngại là nhiều người trẻ đã tham gia trào lưu này chỉ để kiếm vài giây nổi tiếng trên mạng xã hội.

Cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong vài giây ngắn ngủi nhưng sẽ gây hậu quả khôn lường như thiếu máu não. Khi máu không được cung cấp đủ cho não, dẫn đến ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não. Trào lưu "bắt pen" còn gây ra nguy cơ ngưng tim đột ngột, trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tử vong.

Trào lưu "bắt pen" rộ trên TikTok gây nguy hiểm khôn lường. (Ảnh chụp màn hình)

Mạng xã hội cũng từng xuất hiện đủ loại trào lưu với món ăn độc lạ như trà sữa trộn hành lá, cà phê trứng bắc thảo khiến nhiều bạn trẻ đua nhau bắt trend. Những video này thường thu hút hàng triệu lượt xem nhờ vào tính chất "độc lạ" nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

Các chuyên gia y tế cảnh báo những món ăn theo trend chưa qua chế biến, pha chế đồ uống không an toàn hay thách thức ăn uống cực đoan tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dị ứng, ảnh hưởng tiêu hóa, có thể gây nguy hiểm sức khỏe.

Trào lưu ăn uống độc lạ có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa. (Ảnh chụp màn hình)

Hay như trào lưu bẻ đồ long đao (thanh gập lò xo tập tay) được chia sẻ rầm rộ trên các mạng xã hội hồi tháng 11/2023 cũng khiến nhiều bậc phụ huynh phải lo lắng. Những thanh đồ long đao này có lực gập từ 20kg đến 120kg. Điều đáng chú ý người lớn vô tư đưa thanh lò xo này thử thách những đứa trẻ chỉ mới vài tuổi, mà không biết rằng chúng tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường.

Ban đầu đây chỉ là một trò chơi trên mạng xã hội nhưng thử thách này nhanh chóng biến tướng thành những hành động nguy hiểm khi những đứa trẻ tham gia thực hiện. Như sự việc, một bé trai ở Hà Nội phải cấp cứu trong tình trạng mặt sưng nề, bầm tím nhiều vùng mũi, biến dạng lõm mũi phải, vỡ mũi do tham gia thử thách bẻ "đồ long đao" 30 kg tại trường.

Đu trend ‘bẻ đồ long đao’ là thử thách nguy hiểm từ mạng xã hội. (Ảnh: Getty)

Không kém phần nguy hiểm là trào lưu "sống ảo" dưới lòng đường. Một số nhóm người ngang nhiên chiếm dụng lòng đường để quay clip "câu view", "sống ảo". Mặc dù mọi người đều nhận thức được việc quay clip sống ảo dưới lòng đường có thể gây cản trở giao thông và gây nguy hiểm cho chính những người thực hiện thử thách lẫn người qua đường, nhưng một bộ phận giới trẻ vẫn cứ dại dột thử sức chỉ để gây cười hoặc thu hút sự chú ý.

Hồi tháng 8, trào lưu check-in bằng camera giám sát của Gen Z Hà Nội bị lên án. Các bạn trẻ tạo dáng chụp ảnh với mong muốn camera giám sát sẽ bắt trọn khoảnh khắc. Sau đó, thông qua ứng dụng iHanoi, các bạn trẻ dễ dàng trích xuất hình ảnh của bản thân, cắt ghép thành những đoạn clip đăng lên Tiktok, Facebook để thu hút sự quan tâm.

Tuy nhiên, trào lưu này đã tạo ra những hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật. Một số người còn đề nghị xử phạt những người check-in tại các điểm lắp đặt camera giám sát, vì việc tập trung dưới lòng đường sẽ gây nguy hiểm, mất trật tự an toàn giao thông.

Giới trẻ tụ tập check-in trước camera giám sát. (Ảnh chụp màn hình)

Người trẻ bất chấp nguy hiểm để thu hút sự chú ý

Mạng xã hội không chỉ là nơi nảy sinh các trào lưu độc hại, mà còn là công cụ phát tán nhanh chóng những trào lưu ảnh hưởng tiêu cực này. Với tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng, những thử thách quái dị có thể dễ dàng tiếp cận đến cộng đồng người dùng trẻ tuổi, những người có thể thiếu kinh nghiệm sống và khả năng đánh giá đúng sai.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho rằng, những trào lưu độc hại này thu hút giới trẻ tham gia vì đánh trúng vào tâm lý muốn được công nhận, thể hiện bản thân của họ.

"Những trào lưu này là biến thể của những dạng hành vi muốn tạo nên trend hoặc trò nghịch ngợm của tuổi trẻ mà không được cân nhắc về hậu quả. Những bạn trẻ bị tò mò hoặc bị lôi kéo, không được gia đình quản lý, hướng dẫn nên muốn tạo ra một điều gì đó thu hút sự chú ý và sự thừa nhận của xã hội mà không ý thức được ở sau đó có rất nhiều những nguy cơ nguy hiểm" , chuyên gia nói thêm.

Các trào lưu độc hại không chỉ gây tổn thương về thể chất cho người tham gia mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và nhận thức của giới trẻ. Những hành động mạo hiểm, thiếu suy nghĩ có thể để lại hậu quả tâm lý lâu dài, làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu.

Ngoài ra, việc tập trung quá nhiều vào các trào lưu nhất thời cũng khiến nhiều bạn trẻ sao nhãng học tập và các hoạt động tích cực khác. Sự lỗi thời nhanh chóng của các xu hướng này cũng dẫn đến cảm giác hụt hẫng, áp lực khi không kịp bắt kịp những xu hướng tiếp theo.

PGS.TS Trần Thành Nam.

Ngoài ra, theo ông Trần Thành Nam, cần khuyến khích người trẻ áp dụng các biện pháp kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội, tạo ra sự cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo. Các nền tảng mạng xã hội cũng nên tạo ra những chính sách và môi trường an toàn hơn để giảm thiểu những trào lưu độc hại. Các nền tảng mạng xã hội cũng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm duyệt và loại bỏ những nội dung độc hại.

Việc giới trẻ bắt trend những trào lưu độc hại và quái dị trên mạng xã hội đang là mối lo ngại lớn cho xã hội hiện nay. Vì thế, mỗi người dùng mạng xã hội cần tự trang bị cho mình khả năng phân biệt giữa nội dung giải trí lành mạnh và những trào lưu tiềm ẩn nguy hiểm. Nhận thức đúng đắn là chìa khóa để giới trẻ tự bảo vệ bản thân, tận dụng được những lợi ích mà mạng xã hội mang lại mà không phải trả giá bằng những hậu quả khôn lường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại