Đưa người vào trung tâm xã hội: Sao bắt vội, thả chậm?

NGUYÊN THY |

Sau nhiều ngày bị “bắt nhầm” vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, hai cô gái Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) đã được cho về nhà vào chiều 27-9.

Nói “bắt nhầm” vì họ không phải là người xin ăn hay người sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú ổn định, là hai đối tượng bị đưa vào trung tâm theo Quyết định 29/2017 của UBND TP.

Khi bị “bắt”, cả hai đang ở trong một quán cà phê. Lỗi của họ là không mang giấy tờ tùy thân, không kết nối thông tin về thân nhân... tức không có nơi cư trú ổn định theo xác định của UBND phường.

Với Quyết định 29/2017, người sinh sống nơi công cộng là người thực hiện hoạt động sinh hoạt thường ngày như tắm, giặt, ăn, ngủ nơi công cộng.

Nơi công cộng là vỉa hè, lòng lề đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, vườn hoa, nơi vui chơi giải trí, nhà ga, trạm dừng xe buýt, bến xe, bến tàu, bến cảng, chợ…

Không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định.

Điều đáng nói là dẫu quy định đã rõ như thế nhưng các địa phương vẫn cứ nhầm lẫn.

Như ở trường hợp của hai cô gái trên, dù trước đó chưa từng theo dõi, ghi nhận và cũng không dành thời gian để thẩm tra, xác minh như điều bắt buộc phải làm, địa phương lại dễ dàng gán ghép người đang ngồi ở quán cà phê là “người sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú ổn định”!

Hay như ở một trường hợp mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ảnh vào năm 2011: Do say rượu và dắt xe đi trong đêm mà không có giấy tờ tùy thân, năm công nhân đã bị Công an phường 6, quận Gò Vấp “quy tội” lang thang và lập hồ sơ đưa vào trung tâm.

Những sai sót này sẽ không xảy ra nếu lực lượng chức năng chịu làm hết trách nhiệm và trên hết là không định kiến, không coi thường danh dự, nhân phẩm, thân phận pháp lý của người khác!

Thêm một lưu ý nữa là nếu việc “bắt” người được thực hiện cấp tốc (chỉ chừng hai giờ là xong) thì việc thả người lại rất chậm trễ với những thủ tục khá phiền phức.

Quyết định 29/2017 cho phép giải quyết hồi gia dựa trên kết quả xác minh có nơi cư trú ổn định hoặc có người thân có nơi cư trú ổn định nhưng trước giờ hầu như chưa có trường hợp oan khiên nào được thả ra từ việc chủ động xác minh của trung tâm.

Trên thực tế, những người trong cuộc cứ phải tất tả đi xin chính quyền xác nhận vào đơn bảo lãnh về việc cư trú ổn định để trực tiếp mang đến trung tâm.

Kéo theo đó, những người bị hàm oan bị kéo dài thời gian cay đắng ở trung tâm khiến họ phải mất rất nhiều ngày mới được tự do.

Để thể hiện tinh thần sửa sai, cầu thị, chính quyền phường Tam Bình, quận Thủ Đức cần công khai xin lỗi và bù đắp các thiệt hại đã gây ra cho hai cô gái cùng gia đình họ trong việc đã quy chụp họ là “người sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú ổn định”.

Về phía Sở LĐ-TB&XH, phải xem lại cách thức xác định đối tượng của các địa phương cùng phương thức xác minh của trung tâm để tránh lặp lại những sự cố không hay tương tự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại