PGS.TS Trần Trọng Dương thuyết minh về hình ảnh phỏng dựng Tu di tòa Thích ca sơ sinh thời Lý tại tọa đàm "Di sản của ai? Từ nghiên cứu, ứng dụng đến sáng tạo di sản".
Lan tỏa giá trị di sản trong đời sống
Hiện nay nước ta có 187 bảo tàng, trên 4 triệu hiện vật, di vật và cổ vật quý giá đang được bảo quản, trưng bày. 238 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Ở lĩnh vực văn hóa phi vật thể có khoảng 7 vạn di sản dược kiểm kê, 416 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 14 di sản được UNESCO ghi danh.
Xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.591 di tích quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt. Từ số liệu trên có thể thấy Việt Nam là quốc gia có tiềm lực rất mạnh về di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa vật thể, tuy nhiên để đưa di sản vào đời sống đương đại thì hiện nay chúng ta vẫn đang nỗ lực để di sản không chỉ là những mẫu vật để chiêm ngưỡng mà còn phải mang những giá trị văn hóa đó lan tỏa trong đời sống thường nhật.
Mới đây, trong buổi tọa đàm “Di sản của ai? Từ nghiên cứu, ứng dụng đến sáng tạo di sản” do Hội quán Di sản, Ban Quản lý di sản Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức. Dịp này, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa tiếp tục bàn thảo cách nào để đưa di sản vào đời sống. Di sản văn hóa là tinh hoa, hồn cốt của nền văn hóa Việt Nam được đúc kết qua nhiều thế hệ rồi trở thành những sản phẩm vật chất – di sản văn hóa vật thể và sản phẩm tinh thần, phi vật chất – di sản văn hóa phi vật thể.
Di sản là tài sản chung, thuộc quyền sở hữu chung nên theo PGS.TS Trần Trọng Dương, để những di sản có thể tái sinh và hiện diện trong đời sống cần phải nghiên cứu, sáng tạo và thiết kế để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
“Việc nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế di sản theo cách mới có thể làm theo nguyên bản những bảo vật quốc gia, ngoài ra có thể tạo ra các thiết kế mới dựa trên cảm hứng lịch sử, họa tiết hoa văn, hiện vật mang tính tiêu biểu của thời đại, ứng dụng làm những đồ dùng thường nhật, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng để các tinh hoa của văn hóa truyền thống có thể đến với từng người, từng gia đình”, PGS.TS Trần Trọng Dương gợi mở.
Họa tiết tranh Hàng Trống được ứng dụng trong thiết kế các sản phẩm văn hóa.
Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu cũng nêu ra khái niệm “di sản phái sinh”. Đây là khái niệm được sử dụng trong thời gian gần đây nhưng chưa được phổ biến rộng rãi và ở Việt Nam cũng chưa có một định nghĩa cụ thể. Hiểu một cách cơ bản về “di sản phái sinh” là những dạng sản phẩm di sản được tạo ra bằng công nghệ hiện đại, được mô phỏng, phục chế từ bản gốc.
Đặc điểm của những di sản này là thuộc quyền sở hữu của cá nhân người tạo ra chúng, vì vậy các sản phẩm ấy có thể sử dụng cho mục đích thương mại, người tạo ra các sản phẩm “di sản phái sinh” đó hoàn toàn có thể bán quyền sử dụng cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu. “Di sản phái sinh” bao gồm 3 nhóm chính: Đầu tiên là ảnh chụp lại các di sản, di tích, hiện vật khảo cổ hay bản dập văn bia, tượng bằng son, mực, các bản vẽ di sản định dạng 2D; dạng thứ hai là bản scan 3D, sản phẩm quay phim; cuối cùng bản phục chế, phỏng dựng bằng công nghệ thực tế ảo tiên tiến nhất hiện nay như VR, AR.
Sự xuất hiện của các “di sản phái sinh” là một tín hiệu tích cực trong việc phục dựng di sản và đưa di sản vào cuộc sống, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Gỡ vướng để khai thác tiềm năng di sản
Đưa di sản vào đời sống là một chuyện nhưng để có thể khai thác hết tiềm năng của di sản thì cần có sự phối hợp hành động của nhiều cơ quan, ban ngành, các nhà nghiên cứu, người tiêu dùng thụ hưởng. Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Luật Di sản Văn hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế về cả nội dung lẫn thực tiễn thi hành.
Đồng tình với nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Trần Trọng Dương cho rằng, để phát triển di sản và đưa di sản vào đời sống, hiện Nhà nước đã có những chủ trương bảo tồn và phát huy di sản nhưng phát huy như thế nào, cơ sở hành lang pháp lý ra sao thì hiện tại vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy chúng ta cần phải suy nghĩ làm sao để mở rộng hành lang để các nhà nghiên cứu, người làm mỹ thuật có thể sống bằng nghề, sống bằng di sản, tôi nghĩ đó là con đường duy nhất để di sản quay trở lại đời sống”, PGS.TS Trần Trọng Dương nói.