Các vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn do sự gia tăng dân số bùng nổ, cơ sở hạ tầng yếu kém và khai thác quá mức, chỉ riêng nông nghiệp đã chiếm khoảng 80% lượng nước sử dụng trong khu vực MENA. Khử muối cho nước biển và các dự án đập lớn là những giải pháp được ưa chuộng, nhưng những giải pháp này lại thường để lại hậu quả về môi trường.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những cách thức mới để bảo vệ nguồn nước và khuyến khích các thói quen bảo tồn tích cực trong cộng đồng, nông dân và các ngành công nghiệp.
Hệ thống “lưới bắt mây” ở vùng núi Boutmezguida, Morocco
Jamila Bargach, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Morocco Dar Si Hmad về phát triển, giáo dục và văn hóa, khẳng định: “Khoa học, nghiên cứu và giáo dục phải hợp tác cùng nhau để giải quyết vấn đề xử lý và bảo vệ nước”.
Theo bà J.Bargach, một trong những điều gây trở ngại cho an ninh nguồn nước là việc sử dụng quá nhiều nước trong các ngành sản xuất: “Nông nghiệp là một vấn đề rất lớn, đặc biệt là ở khu vực miền Nam của Morocco, nơi xuất khẩu một lượng lớn trái cây sang châu Âu. Dù nó tạo ra nhiều việc làm, nhưng lượng nước sử dụng cho việc trồng hoa quả lớn hơn nhiều so với lượng nước có thể được bổ sung, tạo ra sự mất cân bằng lớn”.
Tổ chức phi lợi nhuận có tên German Water Foundation (GWF) đã thử nghiệm thành công một giải pháp công nghệ tiên tiến, có thể giúp cuộc sống của những người dân vùng MENA phần nào đỡ khổ. Các cộng đồng nông nghiệp Morocco thay vì phải đào sâu xuống lòng đất để tìm kiếm nguồn nước ngầm vốn đã rất ít ỏi, giờ họ sử dụng công nghệ của GWF với một công cụ mang tên “lưới bắt mây” để thu hoạch hàng ngàn lít nước mỗi ngày từ sương mù.
Để thực hiện, người ta sẽ tiến hành dựng các tấm lưới này thành một bức tường thẳng đứng. Vào sáng sớm, những mắt lưới sẽ “bắt giữ” nước từ sương mù, các giọt nước tích tụ tại hàng ngàn mắt lưới sau khi đủ lớn sẽ chảy xuống một rãnh hứng nước ở bên dưới và được phân bổ đi khắp các hệ thống ống dẫn để đến với người dân.
Vùng núi Boutmezguida ở Morocco là nơi thực hiện dự án “khai thác sương mù” lớn nhất thế giới bằng lưới bắt mây, hệ thống này đã giúp thu thập được đến hơn 6.000 lít nước/ngày từ sương mù và cung cấp cho những ngôi làng luôn trong tình trạng khan hiếm nước gần đó.
Không dừng lại ở kế thừa công nghệ, một nhà sáng chế ở Mỹ còn tạo ra hệ thống thu nước từ không khí. Tờ Daily Mail cho biết, ông Shing-Chung Josh Wong thuộc Đại học Akron bang Ohio, Mỹ tự tin hệ thống chưng cất sử dụng chất liệu nano mới do nhóm của ông sáng chế, mỗi ngày có thể thu được 180 lít nước/m2 lưới.
Hiệu quả hơn nhiều so với hệ thống thương mại đang được sử dụng ở Morocco, chỉ thu được 30 lít/m2 lưới. Loại sợi mới này được quấn quanh những mảnh than chì để tạo ra một bề mặt rộng lớn giúp hơi nước ngưng tụ. Sau khi “bắt giữ” nước từ sương mù, tấm lưới đặc biệt còn lọc luôn cả bụi bặm và vi khuẩn, đồng nghĩa với việc số nước thu được có thể uống ngay lập tức.
Điều kiện duy nhất để vận hành hiệu quả là hệ thống này phải mát hơn 100 so với môi trường xung quanh. Vì thế, Wong đã sử dụng một cục pin nhỏ để làm mát hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc lưới nano có thể hoạt động tại bất cứ đâu, ngay cả trên sa mạc.