Tròn 60 năm loài người lần đầu tiên bay ra vũ trụ, Nga vẫn không hiểu điều gì đã "giết chết" Anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin

Trang Ly |

Năm 2021 là thời điểm tròn 60 năm kể từ khi phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin bay ra ngoài vũ trụ lần đầu tiên.

Nhân loại sẽ đánh dấu kỷ niệm 60 năm lần đầu tiên bước vào vũ trụ vào tháng 4/2021 kể từ chuyến bay lịch sử ngày 12 tháng 4 năm 1961 của phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin.

Sau 6 thập kỷ, không gian vũ trụ đã chào đón tổng 560 phi hành gia từ 41 quốc gia bay đến quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO), du hành vượt LEO và lên Mặt Trăng.

Song song với những chiến tích khoa học vũ trụ đỉnh cao suốt từ thế kỷ 20 đến nay, nhiều quốc gia và cơ quan vũ trụ phải đối mặt với những mất mát không thể nào quên về con người.

Chỉ tính riêng tại Liên Xô (về sau là Nga), 37 phi hành gia của nước này đã thiệt mạng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tính từ ngày 1/1/1960 đến ngày 31/12/2018 - Số liệu do Viện Nghiên cứu Sức khỏe Nghề nghiệp Izmerov, Trung tâm Lý sinh Y tế Liên bang Burnasyan và Viện Các vấn đề Y sinh cung cấp.

Về nguyên nhân tử vong, các nhóm tổ chức y tế Nga vừa công bố sau nghiên cứu kéo dài gần 6 thập kỷ. Theo đó, bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong cho các phi hành gia Liên Xô và Nga.

Cụ thể: 

Nghiên cứu cho thấy 48,65% trong số 37 người chết vì các bệnh tim mạch, 27,03% khác không thể chống lại các khối u ác tính (ung thư). Chính xác 16,22% số ca tử vong là do các nguyên nhân bên ngoài (tai nạn).

Nguyên nhân "khác" chiếm 5,41% số ca tử vong, trong đó 1 trường hợp không xác định được nguyên nhân tử vong.

Tuổi chết trung bình là 64,4 tuổi, tính theo mọi nguyên nhân.

BÍ ẨN NHỨC NHỐI SUỐT 53 NĂM

Một trường hợp không xác định được nguyên nhân tử vong lại rơi đúng vào Anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin - Người đầu tiên trong lịch sử thế giới du hành vũ trụ trên con tàu Phương Đông 1.

Ngày 27/3/2021 đánh dấu 53 năm ngày mất của Yuri Gagarin. Vào ngày 27/3/1968, chiếc MiG-15 UTI của Yuri Gagarin bị rơi trong một chuyến bay huấn luyện định kỳ bên ngoài thủ đô Moscow, khiến anh và phi công thử nghiệm Vladimir Seryogin thiệt mạng. 

Vào thời điểm qua đời, Yuri Gagarin chỉ mới 34 tuổi. Nguyên nhân trực tiếp khiến Gagarin thiệt mạng vẫn còn nhiều bí ẩn và tranh cãi đến tận ngày nay.

[Đọc thêm: Cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin: Nga công bố nguyên nhân sau 43 năm, công chúng "dậy sóng"]

Dù vừa công bố nguyên nhân khiến 37 phi hành gia thiệt mạng, Nga vẫn không hiểu điều gì đã giết chết Yuri Gagarin - Ảnh 2.

Nơi chôn cất các Anh hùng Liên Xô, phi công - phi hành gia vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin và phi công thử nghiệm Vladimir Seryogin tại bức tường Điện Kremlin. Ảnh: SPUTNIK / VALERIY SHUSTOV

Kể từ đó, 6 nhà du hành vũ trụ Liên Xô và Nga khác đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn, trong số đó có: Vladimir Komarov, người đã chết vào năm 1967 khi chiếc dù của sứ mệnh Soyuz 1 không mở được. Năm 1971, các nhà du hành vũ trụ Georgy Dobrovolsky, Viktor Patsayev và Vladislav Volkov đã thiệt mạng trong quá trình đi lại sau khi tháo dỡ hàng từ trạm vũ trụ Salyut 1. Các phi hành gia Valentin Bondarenko và Sergei Vozovikov lần lượt chết vì tai nạn khi huấn luyện vào năm 1961 và 1993.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu kết luận rằng bởi vì tất cả các phi hành gia đã qua đời đều hoạt động trong thời kỳ bình minh của du hành vũ trụ (có nghĩa là các chuyến bay của họ nói chung là ngắn), nên thiếu thông tin để đánh giá tác động của chuyến bay vào vũ trụ đối với sức khỏe về lâu dài. 

Liên Xô và Nga chiếm gần 51% tổng thời gian bay trong không gian, ghi lại hơn 29.100 ngày trên quỹ đạo kể từ khi các chuyến bay vũ trụ bắt đầu. 

Trong số 34 nhà du hành vũ trụ Liên Xô và Nga đã dành 365 ngày hoặc hơn trên quỹ đạo thì 24 người đã nghỉ hưu và 2 người đã qua đời. Phần còn lại vẫn hoạt động.

Bài viết sử dụng nguồn: Sputniknews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại