Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có đủ sức chống đỡ chiến tranh thương mại?

Quang Huân |

Chỉ trong 3 năm giai đoạn 2014 – 2017, Trung Quốc đã chi khoảng 1.000 tỷ USD, tương đương 30% dự trữ ngoại hối, để cứu đồng Nhân dân tệ. Mặc dù vậy, đồng tiền này vẫn mất giá tới 15% so với USD. Liệu dự trữ ngoại tệ có đủ giúp Trung Quốc ổn định chính sách tiền tệ?

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang theo thời gian thì đó cũng là khi "âm mưu" thực sự của hai bên dần lộ rõ. Trung Quốc đang trên con đường chuyển mình từ công xưởng của thế giới với nền tảng trình độ công nghệ thấp sang một nền công nghiệp trình độ cao với khả năng tự chủ công nghệ lõi, mở rộng ảnh hưởng của mình ra toàn bộ châu Á và thế giới. Mỹ thì muốn ngăn chặn Trung Quốc thực hiện âm mưu này bởi nó đe dọa vị trí thống trị thế giới hiện tại.

Khi các biện pháp thuế quan và xiết chặt bảo hộ công nghệ của Mỹ bắt đầu được thực thi một cách cứng rắn hơn, Trung Quốc đã phải chịu những hậu quả nhất định. Dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc ở mức cao kỷ lục trong năm 2018 để né tránh tác động của chiến tranh thương mại đang làm lung lay sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Chính phủ Trung Quốc vẫn khẳng định nước này đủ tiền để chống lại những tác động bất lợi trước mắt của các đòn tấn công từ phía Mỹ. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng dự trữ ngoại hối tương đương 3,1 nghìn tỷ USD của Trung Quốc có thể chưa đủ vững chắc để nước này chịu đựng được cuộc chiến thương mại kéo dài.

Sự thực là Bắc Kinh đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đồng Đô-la Mỹ của các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc. Mặc dù theo luật pháp Trung Quốc, một công dân nước này có thể được phép rút tới 50.000 USD mỗi năm, nhưng Chính phủ đang cố gắng thắt chặt các điều khoản lại. Nhiều ngân hàng ở Trung Quốc bắt đầu xem xét kỹ các giao dịch rút ngoại tệ có giá trị từ 3.000 USD trở lên, so với mức phổ biến là 5.000 USD trong thời gian trước.

Nhìn bề ngoài, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, với giá trị hơn 3,1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ khoảng hai phần ba trong số đó được nắm giữ dưới dạng các tài sản Đô-la Mỹ. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện chỉ chiếm chưa đến 30% GDP, giảm từ mức 48% trong năm 2010.

Trong khi đó, nợ nước ngoài của Trung Quốc tăng vọt lên mức 1,97 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, đây là mức cao nhất mọi thời đại. Như vậy, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc gấp 1,6 lần nợ nước ngoài. Lượng tiền này đủ để chi trả cho khoảng 12 tháng nhập khẩu ròng hàng hóa và dịch của Trung Quốc.

Điều đáng lo ngại là, hầu hết các khoản nợ ngoại tệ của các doanh nghiệp ở Trung Quốc đều dính líu đến Chính phủ, hoặc được Chính phủ bảo lãnh bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đã ở mức khoảng 155% GDP trong quý 2/2018, cao hơn đáng nhiều so với các nước lớn khác, chẳng hạn Nhật Bản là 100% GDP và Mỹ chỉ 74% GDP trong cùng thời điểm.

Cũng theo OECD, trong năm ngoái, lượng trái phiếu doanh nghiệp bị vỡ nợ của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục, song tỷ lệ này mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.

Trong 3 năm từ giai đoạn 2014 đến 2017, Chính phủ Trung Quốc cũng đã chi tới gần 1 nghìn tỷ USD để bảo vệ sự mất giá của đồng Nhân dân tệ . Mặc dù vậy, giá trị của đồng CNY đã giảm tới 15% so với USD kể từ thời điểm đầu năm 2014 tới nay.

Trong lúc căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang, ông Donald Trump đã từng cáo buộc Trung Quốc cố tình phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Thực tế, chính Trung Quốc cũng đang lo ngại tỷ giá sẽ vượt quá mức cản tâm lý 7 CNY đổi 1 USD.

Kể từ khi Mỹ bắt đầu áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 7/2018, đã có những lo ngại về áp lực khiến Trung Quốc buộc phải dùng dự trữ ngoại hối để giảm áp lực từ dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc, khiến nguồn cung ngoại tệ cũng giảm mạnh.

Các nhà hoạch định chính sách nước này đang lo ngại, nếu dòng vốn tiếp tục rút mạnh, dự trữ ngoại hối sẽ giảm xuống dưới mức 3 nghìn tỷ USD và mở đầu cho những bất ổn tiền tệ nghiêm trọng.

Một bằng chứng rõ rệt khác cũng cho thấy nguồn cung USD trong nội địa Trung Quốc đang giảm đi đó là chi phí huy động USD tăng cao trong năm nay. Theo số liệu của Reuters, lãi suất huy động USD của Trung Quốc kỳ hạn một năm đã tăng từ mức 2,4% hồi tháng 8/2018 lên khoảng 3,4% ở thời điểm hiện tại.

Hiện tại xu hướng rút vốn khỏi Trung Quốc không những chưa dừng lại mà còn có vẻ tăng lên. Nước này cũng không thể áp dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn xu hướng này, bởi bất kể động thái căng thẳng nào cũng sẽ dẫn tới "bứt dây động rừng" và tạo ra hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nếu các chính sách kiểm soát dòng vốn không hiệu quả, dự trữ ngoại tệ giảm mạnh có thể khiến Trung Quốc suy yếu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn đang kéo dài. Có thể nói, Trung Quốc đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan với mục đích ổn định tiền tệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại