Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất quy định các nội dung gì?

Hồng Thái |

Ngày 27/11 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Vậy, những vấn đề, nội dung trọng tâm nào được đề xuất quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới nhất.

Việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất quy định các nội dung gì? - Ảnh 1.

Một góc Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Việc soạn thảo dự án Luật được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung dự thảo Luật được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở đề xuất của UBND TP Hà Nội, ý kiến của Chính phủ, kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần thứ 26 ngày 20/9/2023 và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều)

Về chính quyền Thủ đô

Về mô hình tổ chức

Thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

Quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hoà Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Về nhiệm vụ, quyền hạn

Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, dự thảo Luật quy định một số nội dung đặc thù sau đây:

Hội đồng nhân dân Thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế (nội dung này sẽ được báo cáo cụ thể tại mục V của Tờ trình này).

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội một số thẩm quyền như quyết định các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C; quyết định hỗ trợ các cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp cần thiết.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố.

Hội đồng nhân dân quận, thị xã bố trí trong dự toán chi ngân sách của Ủy ban nhân dân phường khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách phường để thực hiện một số nhiệm vụ chi như chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, quốc phòng, an ninh…

Về chế độ công vụ ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài ; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô

- Cán bộ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền.

- Quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...

- Tương tự cơ chế áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

Về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô

Về quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị

Phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ…, bao gồm dự án đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng đường giao thông hiện có.

Quy định mang tính nguyên tắc về không gian ngầm, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, khai thác, phát huy giá trị không gian ngầm đô thị của Thủ đô.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử để huy động nguồn lực cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử.

Về phát triển văn hoá, giáo dục và an sinh xã hội Thủ đô

Xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong theo quy hoạch; giao Hội đồng nhân dân Thành phố quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài; Hội đồng nhân dân Thành phố quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học; Ủy ban nhân dân Thành phố quy định bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của người học.

Về chính sách xã hội, quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội... Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô.

Về phát triển khoa học và công nghệ; các khu công nghệ cao; nông nghiệp, nông thôn Thủ đô

Quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ. Quy định định hướng phát triển các khu công nghệ cao ở Thủ đô và một số vấn đề chung về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hà Nội …

Cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; giao Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ diện tích, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép, loại công trình phụ trợ bán kiên cố.

Về bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng đất đai

Quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm; cho phép hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

Tương tự cơ chế áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Luật quy định giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, đất trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác.

Về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô

Bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo. Quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.

Chính sách tài chính, ngân sách và đầu tư

Về tài chính, ngân sách

Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. Ngân sách Thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.

Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất quy định các nội dung gì? - Ảnh 2.

Hà Nội phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; từ đó, giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông, giảm phương tiện giao thông cá nhân. Ảnh: Hồng Thái

Sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ các cơ quan trung ương để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở Thủ đô; hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết; chi cho một số nhiệm vụ đặc thù, đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô.

Về đầu tư

Cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (tương tự cơ chế áp dụng cho tỉnh Khánh Hoà).

Mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Quy định dự án TOD là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD; tiền thu được sẽ đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông kết nối với đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.

Thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng đất hoặc tiền đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực vận tải, thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường; hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực thủy lợi.

Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng và giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết về giám sát thử nghiệm và kết thúc quá trình thử nghiệm.

Cho phép áp dụng phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô để nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí tài sản công.

Phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Chẳng hạn như Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng... Cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Quy định về các dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược, điều kiện của nhà đầu tư chiến lược… nhằm thu hút nhà đầu tư có năng lực tham gia vào thực hiện các dự án ưu tiên của Thủ đô (quy định về nhà đầu tư chiến lược hiện đang được áp dụng ở Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh).

- Quy định về đối tượng ưu đãi đầu tư; nội dung ưu đãi, trong đó chủ yếu là tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp…

Về liên kết, phát triển vùng Thủ đô

Trên cơ sở quy định về vùng Thủ đô của Luật Thủ đô 2012 và các quy định của Nghị định số 91/2021/NĐ-CP, dự thảo Luật quy định một số nội dung về liên kết, phát triển vùng Thủ đô nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Về giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý , bảo vệ Thủ đô

Dự thảo Luật kế thừa quy định tại Chương III Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh trong vùng Thủ đô và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, Nhân dân Thủ đô.

Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã đăng tải hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, nhân dân.

Ngày 4/7/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 180/KH-UBND tổ chức lấy ý kiến góp ý Hồ sơ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ngày 13/7/2023, Bộ Tư pháp có Công văn gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô.

Ngày 7/9/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 4430/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác xây dựng, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, cử tri vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6; xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại