Dù tan nát sau trận Trân Châu Cảng nhưng hải quân Mỹ vẫn làm được 1 điều kỳ tích

Mỹ Huyền |

75 năm sau trận Trân Châu Cảng, chúng ta có cái nhìn sâu hơn về hải quân Mỹ dù cho hạm đội của họ bị quân Nhật oanh phá tan tành.

Ngày 7/12/1941, trong vòng 30 phút đầu tiên của cuộc không kích bất ngờ vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, người Nhật đã gây thiệt hại đáng kể cho hạm đội thiết giáp neo đậu ở đây.

Đến cuối cuộc tấn công, thiết giáp hạm USS Arizona bị phá hủy hoàn toàn, USS Oklahoma bị lật úp, trong khi đó các chiến hạm USS West Virginia, USS California, USS Nevada hư hỏng nặng và bị đánh chìm.

Dù tan nát sau trận Trân Châu Cảng nhưng hải quân Mỹ vẫn làm được 1 điều kỳ tích - Ảnh 1.

Ngoài năm thiết giáp hạm bị đánh chìm, còn ba thiết giáp hạm khác, ba tàu khu trục, ba tàu tuần dương và nhiều tàu nhỏ bị hư hại, cùng 180 máy bay bị tiêu diệt trong cuộc tấn công. Phía Mỹ ước tính thương vong khoảng 3400 người, trong đó hơn 2300 người chết.

May thay cho hải quân Mỹ, thiết giáp hạm USS Pennsylvania, soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, đang trong ụ tàu khi quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng, nên chỉ bị hư hỏng nhẹ.

Dù tan nát sau trận Trân Châu Cảng nhưng hải quân Mỹ vẫn làm được 1 điều kỳ tích - Ảnh 2.

USS Tennessee và USS Maryland neo đậu phía trong USS West Virginia và USS Oklahoma, nên được che chở phần lớn khỏi các đợt tấn công bằng ngư lôi.

Tuy nhiên, gần như ngay sau khi cuộc tấn công kết thúc, người Mỹ đã bắt tay vào trục vớt và sửa chữa các tàu hư hỏng để đưa vào chiến đấu chống lại phát xít Nhật và phe Trục. Công việc phục hồi các con tàu hư hỏng được tiến hành nhanh chóng ở Xưởng hải quân Trân Châu Cảng.

Chỉ trong vòng ba tháng, đến tháng 2/1942, USS Pennsylvania, USS Maryland và USS Tennessee, cùng với các tàu tuần dương Honolulu, Helena và Raleigh; Các tàu khu trục Helm và Shaw; Thủy phi cơ mẫu hạm Curtiss; tàu công xưởng Vestal và ụ tàu nổi YFD-2 đã trở lại phục vụ hoặc được kéo về Mỹ để sửa chữa chính thức.

Với phần còn lại của hạm đội, người Mỹ tốn nhiều công sức chỉ để đưa năm thiết giáp hạm, hai tàu khu trục, một tàu mục tiêu và một tàu rải mìn bị đánh chìm đến nơi sửa chữa. Một tuần sau cuộc đột kích, một đội cứu hộ chính thức được thành lập để phục hồi những con tàu hư hỏng nặng.

Kỳ tích vĩ đại nhất do đội thực hiện là đưa thiết giáp hạm USS Nevada trở lại mặt nước vào tháng 2/1942 dù việc đó vô cùng khó khăn.

Dù tan nát sau trận Trân Châu Cảng nhưng hải quân Mỹ vẫn làm được 1 điều kỳ tích - Ảnh 3.

USS Nevada bị đánh trúng năm quả bom, gây thủng một lỗ lớn trên sàn chính và nhiều lỗ ở thân tàu, kết quả là nó bị mắc cạn. Điều này khiến công việc cứu nạn không hề dễ dàng.

Nhóm thợ lặn hải quân và dân sự đã phải thực hiện hơn 400 lần lặn với khoảng 1500 giờ làm việc trên USS Nevada. Thêm hai người chết vì hít phải khí độc tích tụ bên trong thân tàu.

Sau khi được đưa trở lại mặt nước, nó được sửa chữa qua và được kéo bằng tàu hơi nước về Xưởng hải quân Puget Sound ở bang Washington để sửa chữa chính thức. USS Nevada tái gia nhập hạm đội hải quân Hoa Kỳ cuối năm 1942.

Dù tan nát sau trận Trân Châu Cảng nhưng hải quân Mỹ vẫn làm được 1 điều kỳ tích - Ảnh 4.

Đội cứu hộ cũng trục vớt tàu USS California vào tháng 3/1942, tàu USS West Virginia vào tháng 6 và tàu rải mìn Oglala vào tháng 7 cùng năm. Sau khi trải qua đợt sửa chữa lớn, các tàu này cũng quay lại hạm đội.

Ba tàu bị hư hại nghiêm trọng là USS Oklahoma, USS Arizona và tàu mục tiêu USS Utah không bao giờ quay lại phục vụ hải quân.

Thiết giáp hạm USS Arizona bị phá hủy sau vụ nổ một quả bom xuyên giáp. Ngày nay, xác tàu đắm vẫn nằm ở Trân Châu Cảng. Người Mỹ đã rất nỗ lực để kéo Oklahoma vào ụ tàu nhưng nó đã hư hỏng đến mức không thể sửa được.

Dù tan nát sau trận Trân Châu Cảng nhưng hải quân Mỹ vẫn làm được 1 điều kỳ tích - Ảnh 5.

Tổn thất nhân mạng phía Mỹ gần một nửa là do vụ nổ hầm đạn phía trước của USS Arizona. Khi đó trên mặt nước, hàng ngàn người bơi khỏi các tàu đang cháy, cố gắng vào bờ đảo Ford nhưng mặt nước bị ngập dầu dày hơn 3 cm, bắt cháy như một biển lửa. Phần đông những người nhảy xuống nước đều chết cháy.

Thống kê của hải quân Mỹ cho thấy, các thợ lặn quân sự thuộc đội cứu hộ đã làm việc tổng cộng hơn 20.000 giờ dưới nước với 5000 lần lặn để cứu các con tàu.

Dù tan nát sau trận Trân Châu Cảng nhưng hải quân Mỹ vẫn làm được 1 điều kỳ tích - Ảnh 6.

Hầu hết thời gian, các thợ lặn phải đeo mặt nạ phòng độc để tránh khói độc bên trong các con tàu. Họ vá các lỗ thủng, dọn sạch các mảnh vỡ và bơm nước ra khỏi tàu. Ngoài ra, đội cứu hộ còn phải tìm kiếm con người, tài liệu và đạn dược.

Nhờ những nỗ lực cứu hộ không mệt mỏi, đại đa số các tàu bị tấn công tại Trân Châu Cảng được đưa trở lại vòng chiến đấu trong Thế chiến II. Tuy nhiên trận Trân Châu Cảng mãi mãi ghi dấu như một trong những thất bại ô nhục nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại