Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan đang tổ chức tại Hà Nội, là một trong những nội dung quan trọng được truyền thông Trung Quốc phản ánh những ngày qua. Dưới tiêu đề "Trung Quốc-ASEAN mở ra con đường hợp tác mới trong chống dịch", ông Bành Niệm, chuyên gia về quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, trong khi hợp tác kinh tế thương mại giữa các nước Âu Mỹ với Trung Quốc giảm sút, vị thế của ASEAN ngày càng nổi bật.
6 tháng đầu năm nay, ASEAN đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại số một của Trung Quốc. Đây là sự nâng tầm tiếp theo sau khi ASEAN soán ngôi của Mỹ bước lên vị trí thứ 2 vào cuối năm 2019.
Chuyên gia này nhận định, cùng với việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN và Nghị định thư nâng cấp, trao đổi thương mại giữa hai bên sẽ ngày càng chặt chẽ.
Không chỉ vậy, 9 tháng đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc sang các nước ASEAN cũng tăng 76,6%, trong khi đầu tư của ASEAN sang Trung Quốc tăng 6,6%. Hợp tác đầu tư giữa 2 bên sẽ tiếp tục duy trì xu thế tăng trưởng ổn định cùng với sự huy động vốn của Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc-ASEAN giai đoạn II trị giá 1 tỷ USD.
Theo bài viết, những thành quả đạt được giữa hai bên trên cả lĩnh vực thương mại và đầu tư đã cho thấy tiềm năng hợp tác to lớn và sự phối hợp giữa Trung Quốc và ASEAN trong đại dịch.
Trong khi đó, ông Hứa Lợi Bình, chuyên gia của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc trong bài viết của mình lại chỉ ra nguyên nhân của sự hợp tác "lội ngược dòng" giữa các quốc gia Đông Á. Ông đánh giá, trước tác động của đại dịch, hợp tác Đông Á không những không "phai nhạt", mà còn tiến lên phía trước.
Theo ông, các quốc gia ASEAN đã phối hợp thành công trong việc tạo ra các mô hình hợp tác khu vực "10+1", "10+3"... mang màu sắc Đông Á.
Tác giả đã điểm lại "kinh nghiệm quý" dẫn tới hợp tác thành công của cơ chế 10+3 qua các cuộc khủng hoảng tài chính, thảm họa sóng thần và các lần dịch bệnh trước đó, đồng thời đánh giá hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN là "hình mẫu" đầy sức sống và hiệu quả của mô hình hợp tác 10+1.
Hai bên đã tìm ra phương thức thiết lập "làn nhanh" cho người và "làn xanh" cho hàng hóa trong đại dịch, cũng như hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực liên quan đến vaccine và đảm bảo vật tư y tế.
Hai bên cũng thể hiện tiềm năng to lớn về hợp tác kinh tế số trong năm 2020 và đang hướng tới triển khai Năm hợp tác phát triển bền vững 2021.
Theo chuyên gia này, kinh nghiệm hợp tác hơn 20 năm qua cho thấy, càng đứng trước khủng hoảng, hợp tác Đông Á càng có thêm động lực và "con tàu lớn" hợp tác Đông Á sẽ rẽ sóng vươn khơi trong tương lai./.