Dư luận cho rằng Mỹ đang từ bỏ lợi thế khi thỏa thuận về AI với Trung Quốc

Kiều Anh |

Giới quan sát có những ý kiến khác nhau về thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quân sự. Trong khi một số người cho rằng đây là việc cần thiết thì những ý kiến khác nhận định Washington đang từ bỏ lợi thế của mình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/11 (giờ địa phương) tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở San Fancisco và có kế hoạch ký kết một thỏa thuận nhằm hạn chế việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quân sự, Business Insider đưa tin.

Theo bài báo, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nhất trí hạn chế sử dụng AI trong các hệ thống kiểm soát và triển khai vũ khí hạt nhân, cũng như việc sử dụng công nghệ này trong các hệ thống vũ khí tự động như máy bay không người lái.

Dư luận cho rằng Mỹ đang từ bỏ lợi thế khi thỏa thuận về AI với Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở San Francisco ngày 15/11 (giờ địa phương). Ảnh: Getty

Thỏa thuận được đưa ra giữa bối cảnh hai quốc gia thường bất đồng với nhau về nhiều vấn đề và căng thẳng tiếp tục leo thang liên quan đến việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc tiến hành các hoạt động do thám nước này cũng như tăng cường các hoạt động quân sự trên Biển Đông.

Tuy nhiên, thỏa thuận cũng được đưa ra vào thời điểm nhiều bên cảnh báo những tác động gia tăng của việc sử dụng AI trong chiến đấu - một thực tế mới có thể dẫn đến những mối lo ngại về đạo đức.

Phil Siegel, người sáng lập Trung tâm CAPTRS nhận định với Fox News Digital rằng một thỏa thuận như vậy là "cần thiết" mặc dù ông nhận định các nước lớn như Nga cũng nên nằm trong thỏa thuận này.

"Tôi dự đoán họ sẽ tiến hành một thỏa thuận mà theo đó các vũ khí tự động do AI điều khiển trên chiến trường chỉ nên dành cho trinh thám chứ không phải chiến đấu, nếu không thì thế giới sẽ trở thành một nơi vô cùng nguy hiểm", ông Siegel nói.

Trong khi đó, Christopher Alexander - Giám đốc phân tích tại Nhóm Phát triển Tiên phong đã đặt câu hỏi về nhu cầu cần tiến hành thỏa thuận trên, đồng thời chỉ ra rằng Mỹ sẽ từ bỏ lợi thế chiến lược mà hiện nay nước này đang nắm giữ.

"Đây là một quyết định tồi tệ. Trung Quốc đi sau Mỹ về công nghệ AI. Vì thế, việc tiến hành thỏa thuận trên đồng nghĩa rằng chính quyền Tổng thống Biden từ bỏ lợi thế chiến lược của mình. Ngoài ra, AI giúp làm giảm sự căng thẳng để cải thiện việc ra quyết định, đóng vai trò quan trọng để ngăn cản một quyết định tồi tệ khi sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Alexander nói.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều chạy đua để tích hợp việc sử dụng AI vào quân sự khi công nghệ này phát triển nhanh chóng, dọn đường cho những ứng dụng hữu ích trên chiến trường. Tuy nhiên, hai quốc gia dường như đều nhận ra mối nguy hiểm của việc cho phép sử dụng AI khi Washington và Bắc Kinh là một phần trong thỏa thuận đầu năm nay nhằm khuyến khích việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm trong quân sự.

Nhà bình luận Samuel Mangold-Lenett cũng đặt câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có tôn trọng một thỏa thuận như vậy hay không, đồng thời chỉ ra việc thiếu tuân thủ của nước này trong Thỏa thuận Khí hậu Paris.

"Thật thiếu khôn ngoan khi tin rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng bất kỳ thỏa thuận nào hạn chế việc sử dụng AI trong vũ khí hạt nhân. Hãy nhìn vào Thỏa thuận Khí hậu Paris, bất chấp việc nhất trí giảm phát thải carbon, Trung Quốc tiếp tục là một trong những nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới", nhà quan sát Mangold-Lenett đánh giá. Theo bà, Mỹ nên tiếp tục phát triển công nghệ AI để đảm bảo an ninh quốc gia, thúc đẩy các lợi ích của mình và cho rằng, "các đối thủ của chúng ta chắc chắn sẽ làm điều tương tự".

Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận cụ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại