“Có nên thả tự do trước thời hạn cho các tù nhân khủng bố hay không?”, đây là vấn đề đang làm nóng dư luận, cũng như các chiến dịch tranh cử tại Anh sau vụ tấn công bằng dao xảy ra hôm 29/11 trên cầu London.
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm và nghi phạm thực hiện vụ tấn công từng có thời gian ngồi tù vì hành vi khủng bố. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi đây là một sai lầm và cam kết sẽ đánh giá lại toàn bộ những quy định cho phép tội phạm nghiêm trọng và hung hãn ra khỏi nhà tù sớm.
Theo cảnh sát chống khủng bố Anh, nghi phạm Usman Khan, 28 tuổi, từng bị bỏ tù năm 2012 vì tội khủng bố, thuộc một nhóm từng lên kế hoạch đánh bom nhằm vào Sở giao dịch chứng khoán London và thành lập trại huấn luyện khủng bố ở Pakistan. Tên này đã được thả ra một năm trước sau khi đã chấp hành một nửa bản án 16 năm tù giam của mình, một ngưỡng mà các tù nhân thường có thể được hưởng các điều kiện để được tự do trước thời hạn. Vào thời điểm thực hiện vụ tấn công, Usman Khan vẫn phải đeo vòng kiểm soát điện tử và trước đó cùng ngày đã tham gia một hoạt động do trường đại học Cambridge tổ chức về vấn đề tái bố trí cho các tù nhân.
Vụ tấn công đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho chính phủ cũng như các cơ quan an ninh Anh. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng việc cho phép tội phạm nghiêm trọng và hung hãn ra khỏi nhà tù sớm là một sai lầm: “Tôi cũng như Đảng Bảo thủ đã nhấn mạnh nhiều lần trước cuộc bầu cử 12/12 tới rằng chúng tôi muốn thắt chặt hình phạt liên quan đến các vụ tấn công bạo lực nghiêm trọng. Tôi cho rằng ý nghĩa của việc thả tù nhân trước hạn thực sự không hiệu quả. Vụ tấn công mới nhất là bằng chứng cho thấy điều này”.
Thị trưởng London và là thành viên Công đảng đối lập Sadiq Khan thì cho rằng, có những câu hỏi lớn cần phải giải đáp. Một trong số đó là, tại sao một trong những công cụ quan trọng mà các thẩm phán có thể sử dụng để xử lý những trường hợp tội phạm nguy hiểm và bảo vệ công chúng là kết án tù trung thân, lại bị chính phủ tước mất.
Về phần mình, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn gọi đây là một thảm họa và yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng về hoạt động của hệ thống tư pháp: “Cần phải tiến hành một cuộc điều tra rất toàn diện. Bởi rõ ràng đây là một thảm kịch và đã có người thiệt mạng. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra về hoạt động của cơ quan quản chế rằng liệu họ có liên quan không và liệu Hội đồng tha tù trước thời hạn có nên tham ngay từ đầu vào quá trình quyết định thả tự do trước thời hạn cho nghi phạm hay không và thậm chí là cả những gì đã xảy ra trong tù... Tất cả chúng ta đều cần phải biết câu trả lời cho những câu hỏi khẩn cấp đó”.
Vấn đề càng trở nên “nóng” hơn khi một số hãng truyền thông của Anh cho biết, gần như tất cả những người tham gia vào việc không chế nghi phạm trước khi cảnh sát can thiệp đều là những tù nhân từng bị kết án và cũng tham gia hội nghị do trường Đại học Cambidge tổ chức trước đó cùng ngày. Trong số đó có James Ford, từng bị kết án tù trung thân năm 2004, với mức án tối thiểu là 15 năm tù giam vì tội sát hại một phụ nữ trẻ.
Trong lúc này cả hai chính đảng lớn nhất tại Anh là đảng Bảo thủ và Công đảng đều ngừng các hoạt động tranh cử để tưởng niệm các nạn nhân và lên án vụ tấn công khủng bố. Và giới quan sát nhận định, câu trả lời thỏa đáng mà dư luận Anh chờ đợi cho câu hỏi “Liệu có nên thả tự do trước thời hạn cho các tù nhân khủng bố hay không?” sẽ là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12/12 tới./.