"Du lịch Việt Nam có thể cất cánh mà không cần tốn một xu, nếu..."

Quang Huy |

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch công ty Lửa Việt Tour, đừng cho rằng Việt Nam không có tiền thì không thể làm được du lịch tốt. Bởi có những thứ không tốn một xu mà vẫn có thể trở thành vũ khí cạnh tranh hữu hiệu.

Bài toán khó của ngành du lịch?

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 08/2017, trong đó đặt mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Theo nghị quyết, hiện tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP.

Tuy có những thay đổi tích cực, nhưng Bộ Chính trị cũng đánh giá ngành du lịch của Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn và có sự khác biết, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và chưa có khả năng cạnh tranh cao.

Thực tế, những vấn đề trên đã từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra trong hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Khi đó, Thủ tướng đưa ra 5 câu hỏi mà ngành du lịch cần giải trong năm 2017, bao gồm việc làm thế nào để tăng lượng khách, giữ chân du khách, tăng chi tiêu của du khách tại Việt Nam, lưu lại ân tượng tốt và để du khách muốn quay lại thay vì "một đi không trở lại".

Giải pháp không tốn một đồng để kích hoạt ngành tỷ đô của Việt Nam

Trước quyết tâm của Bộ Chính trị và Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân làm du lịch tại Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi và kỳ vọng vào một bước đột phá với ngành kinh tế không khói với tiềm năng hàng tỷ USD.

Là người có hàng chục năm gắn liền với ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch công ty Lửa Việt Tour, đơn vị đang là nhà tư vấn chiến lược du lịch cho tỉnh Đồng Tháp, cho rằng trả lời những câu hỏi của Thủ tướng là không khó, nhưng để làm được thì rất khó.

"Albert Einstein từng có câu nói rất nổi tiếng, đó là "Chúng ta không thể xử lý những vấn nạn hiện nay bằng tư duy khi vấn nạn đó được tạo ra". Điều này có nghĩa là chúng ta phải thay đổi sâu sắc từ suy nghĩ, khi đó mới thay đổi được hành động.

Tư duy của nhiều người làm du lịch hiện nay chỉ là chạy theo số lượng khách hàng, chạy theo những kỷ lục Guinness... Câu hỏi ngược lại ở đây là chúng ta có dám đoạn tuyệt với bệnh hình thức không, có dám bỏ qua việc cố gắng tạo lập hết kỷ lục Guinness này tới kỷ lục Guinness khác hay không?

Trước số liệu du lịch Việt Nam năm 2016 tăng 26%, nhiều đơn vị đã thấy đó là kì tích. Nhưng nhìn lại quá khứ, mức tăng trưởng năm 2011 là 34%, sau đó thoái trào, cho tới năm 2015 tăng có 0,9%. Như vậy, liệu lịch sử có lặp lại không?

Thay vì tổng kết suông những con số, theo tôi, chúng ta cần tìm hiểu lý do phía sau những con số này. Vì đâu du lịch Việt có những năm tăng trưởng mạnh, nhưng liền ngay sau đó là thoái trào? Lý do của sự tăng trưởng, lý do của sự thoái trào nằm ở đâu, chủ quan hay khách quan?

Đừng cho rằng chúng ta không có tiền thì không làm được du lịch tốt, không thể cạnh tranh được với các nước láng giềng. Việc dễ nhất mà không tốn lấy một xu nào là du lịch Việt Nam cần lấy nụ cười, lấy sự thân thiện làm vũ khí để cạnh tranh.

Với điều này, có lẽ chúng ta phải thay toàn bộ nhân viên ở các cửa khẩu hiện nay. Mặt họ lúc nào cũng hình sự, chẳng những không cười với khách mà còn vòi vĩnh thì không ai muốn đến, chứ đừng nói muốn trở lại. Tiền chúng ta không bằng nước ngoài, sản phẩm du lịch cũng chưa chắc đã hơn, vậy tại sao đến cả thái độ chúng ta cũng kém hơn?".

Với Đồng Tháp, ông Mỹ cho biết đơn vị này cùng lãnh đạo tỉnh đang đặt mục tiêu trong 10 năm tới, tỉnh này sẽ trở thành thủ phủ của du lịch miền Tây, bất chấp việc tiềm năng của nơi này thua kém nhiều tỉnh khác.

"Vì sao ư? Làm du lịch tôi nghiệm ra rằng đó phải là công việc của Bí thư, Chủ tịch tỉnh, không phải của Giám đốc sở hay Phó chủ tịch. Đồng Tháp có lợi thế không đâu có là Bí thư và Chủ tịch rất quan tâm tới du lịch như một cặp song kiếm hợp bích, để thúc đẩy cho bằng được du lịch của tỉnh phát triển.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Chủ tịch tỉnh chính là một hướng dẫn viên du lịch của chính tỉnh đó? Thành công đơn giản có thể đến từ đó, từ sự thay đổi tư duy sâu sắc của những người đứng đầu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại