Đủ kiểu chi tiêu chỉ hơn 10 triệu VND/tháng: Người hí hửng nhận đồ tiếp tế từ quê, người khéo vun vén còn dư dả tiết kiệm, du lịch

Thuý Phương |

Không ít gia đình có quan điểm chi tiêu hợp lý, không chỉ cân đối các khoản chi tiêu sao cho phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế mà còn dư dả để tiết kiệm, du lịch hàng năm.

Tận dụng “của nhà trồng được” để cắt giảm chi phí

Chia sẻ với Phụ nữ Việt Nam, gia đình chị Trần Hiền (Hà Đông, Hà Nội) tiết lộ chi phí sinh hoạt thường ngày dao động trong khoảng 12 triệu VNĐ/tháng. Trong đó, nhà chị thường chi tiêu trung bình 360 ngàn VNĐ/ngày để đi chợ mua đồ ăn, ước tính khoảng 10,1 triệu VNĐ/tháng.

Vì thu nhập không cao nên gia đình chị Hiền lựa chọn thuê nhà khá xa khu vực trung tâm. Điều này khiến tiền xăng xe di chuyển của hai vợ chồng là gần 1,8 triệu VNĐ/tháng.

Đây là ước tính chi phí của gia đình sau khi giá cả leo thang thời gian gần đây. Tổng các khoản chi đã tăng gần 2,5 triệu VNĐ/tháng. Tuy nhiên, chị Hiền vẫn vui mừng vì gia đình có thể cắt giảm một phần phí sinh hoạt nhờ đồ ăn mà bố mẹ ở quê gửi lên.

Đủ kiểu chi tiêu chỉ hơn 10 triệu VND/tháng: Người hí hửng nhận đồ tiếp tế từ quê, người khéo vun vén còn dư dả tiết kiệm, du lịch - Ảnh 1.

Gia đình chị Trần Hiền có 2 vợ chồng và 1 giúp việc hiện đang sống tại Hà Đông . Ảnh: NVCC cho Phụ Nữ Việt Nam

Gia đình của chị Phương Thanh (35 tuổi, Bắc Giang) cũng tương tự như vậy, chia sẻ với Trí Thức Trẻ.

Một bí quyết tiết kiệm được chị áp dụng chính là thường xuyên tự nấu cơm cho chồng mang đi làm hàng ngày. Những món ăn của chị Thanh đều là những thực phẩm dễ tìm kiếm ở các chợ quê như rau muống, cá, rau củ, tôm đất… Mỗi hộp cơm đầy đặn như vậy chỉ dao động từ 30.000 - 40.000 đồng.

“Ông bà nội cũng có 1 mảnh vườn nhỏ, thường trồng rau và nuôi gà đẻ trứng cho cả gia đình", chị chia sẻ.

Nhờ vậy, họ có thể cắt giảm không ít chi phí sinh hoạt cho thực phẩm khi tận dụng “của nhà trồng được”. Tổng chi phí sinh hoạt, ăn uống cho gia đình 4 người nhà chị Thanh chỉ rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Đủ kiểu chi tiêu chỉ hơn 10 triệu VND/tháng: Người hí hửng nhận đồ tiếp tế từ quê, người khéo vun vén còn dư dả tiết kiệm, du lịch - Ảnh 2.

Ảnh: NVCC cho Trí Thức Trẻ

Để ứng phó với các khoản tiền xăng xe đi lại có xu hướng biến động nhiều, đặc biệt là khi chồng đi làm bằng ô tô, chị Thanh chủ yếu di chuyển bằng xe đạp.

"Cơ quan mình ở gần nhà. Nhà mình cũng có xe đạp thể thao nên đi làm, đi chợ, đưa đón con đi học hoặc đi đâu gần nhà mình đi xe đạp. Như vậy vừa giúp thể dục vừa giảm chi phí xăng xe", chị chia sẻ.

Đồng thời, chị thường lên kế hoạch chi tiêu trong tháng cho cả gia đình. Điều này giúp chị dễ dàng cân đối các khoản cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Đủ kiểu chi tiêu chỉ hơn 10 triệu VND/tháng: Người hí hửng nhận đồ tiếp tế từ quê, người khéo vun vén còn dư dả tiết kiệm, du lịch - Ảnh 3.

Ảnh: NVCC cho Trí Thức Trẻ

Khéo vun vén nên vẫn dư dả tiết kiệm

Chị N.T.H, (nhân viên văn phòng tại Hải Phòng) lại “gây bão” với công thức 7-3, khéo vun vén để chi tiêu cho gia đình 4 người ở Hải Phòng với mức 10 triệu/tháng. Cách quản lý tiền bạc của chị đã nhận rất nhiều lời khen từ cộng đồng mạng.

Công thức 7-3 được chị áp dụng như sau: 7 triệu đồng tiền mặt để chi trả cho tiền ăn trưa, xăng xe, đi chợ, tiền học của 2 con, và một số khoản phát sinh; sau đó để 3 triệu đồng trong thẻ để chi trả tiền điện nước, các loại thực phẩm, bánh sữa.

Trong số tiền mặt, chị trích ra 1,5 triệu đưa chồng ăn sáng, trưa và xăng xe vì chồng chị H hiện làm freelancer tại nhà, hầu như cũng không đi đâu. Còn chị H. di chuyển bằng xe đạp điện nên giảm được không ít tiền xăng xe, trong giai đoạn giá xăng đắt đỏ.

Chị sẽ vạch ra các khoản chi như vậy ngay từ ngày được lĩnh lương. Số tiền còn lại từ thu nhập được chuyển luôn vào tài khoản tiết kiệm. Nếu tháng nào tiêu ít hơn dự kiến thì tự động đẩy số tiền dư về tài khoản tiết kiệm.

Đủ kiểu chi tiêu chỉ hơn 10 triệu VND/tháng: Người hí hửng nhận đồ tiếp tế từ quê, người khéo vun vén còn dư dả tiết kiệm, du lịch - Ảnh 4.

Bảng ghi chép chi tiêu trên điện thoại trong vòng 1 năm của gia đình chị H. Ảnh: NVCC cho Phụ Nữ Việt Nam

Chị H. cũng có một số bí quyết riêng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, chẳng hạn như thói quen không ăn vã thức ăn, mua nhiều đồ khi siêu thị có khuyến mại, mua sim 4G để dùng cả năm, không mua cap mạng mà chỉ xem các kênh miễn phí trên đầu kỹ thuật số…

"Nhà mình chi tiêu từ 10 - 12 triệu/tháng như vậy trong cả thập kỷ qua rồi, và không cảm thấy thiếu thốn gì cả. Quan trọng nhất cách quản lý tài chính sao cho hợp lý. Ốm đau thậm chí cũng cực ít ghé thăm gia đình mình. Một năm gia đình mình vẫn đi du lịch đều đều vì những khoản như mua sắm quần áo sẽ đổ hết về du lịch trải nghiệm", chị H chia sẻ.

Cùng quan điểm như vậy, gia đình 3 người của chị Thiên Lương (sinh năm 1992, Hà Nội) cũng chỉ có chi phí sinh hoạt 14,5 triệu/tháng mà vẫn dư dả tiết kiệm.

Mỗi tháng, gia đình của Thiên Lương sẽ dành 32% thu nhập cho tiết kiệm. 68% còn lại để chi tiêu. Các khoản chi tiêu trong 1 tháng được bà mẹ trẻ ghi chép chi tiết trong bảng này.

Đủ kiểu chi tiêu chỉ hơn 10 triệu VND/tháng: Người hí hửng nhận đồ tiếp tế từ quê, người khéo vun vén còn dư dả tiết kiệm, du lịch - Ảnh 5.

Bảng chi tiêu cụ thể của chị Thiên Lương. Ảnh: NVCC cho Phụ Nữ Việt Nam

"Phương châm sống của mình cũng là tích lũy dần dần, luôn tiết kiệm trước khi chi tiêu. Mọi thứ được sắp xếp phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế của gia đình”, chị chia sẻ.

“Tôi thường chia tiền gửi tiết kiệm thành nhiều khoản nhỏ khác nhau, có khoản gửi dài hạn 1 năm, có khoản trung hạn 6 tháng và khoản dự phòng rủi ro chỉ từ 2-3 tháng. Đặc biệt là tôi không bao giờ động tới khoản tiết kiệm nếu không có việc gì lớn. Đồng thời, dù tiết kiệm nhưng mình cũng để 1 khoản vừa đủ cho cả gia đình hưởng thụ. Cụ thể, 1 năm gia đình sẽ đi du lịch xa 1 lần trong 1 tuần. Còn nếu đi gần, loanh quanh Hà Nội từ 2-3 ngày thì 1 năm sẽ đi 2 lần, chi phí khoảng 5 triệu".

Đủ kiểu chi tiêu chỉ hơn 10 triệu VND/tháng: Người hí hửng nhận đồ tiếp tế từ quê, người khéo vun vén còn dư dả tiết kiệm, du lịch - Ảnh 6.

Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Với các khoản chi tiêu cho đồ gia dụng, mỹ phẩm và quần áo, chị thường chọn đồ chuẩn, đắt hơn một chút nhưng bền, an toàn và tiết kiệm điện.

"Theo mình thấy mọi thứ đều cần phải phù hợp là tốt nhất. Ví dụ người thu nhập 5 triệu không thể so sánh với người thu nhập 50 triệu được. Cân đối và hài lòng nhưng luôn phấn đấu thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn sẽ đạt được thôi. May mắn là mình tiêu pha không vung tay quá trán, không nợ để đầu tư vì không dám vượt khỏi vòng an toàn nên lúc nào tài chính cũng trong tầm kiểm soát", chị Thiên Lương chia sẻ thêm.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại