Chiều 24/11, tâm bão số 9 cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 200km, cách Bến Tre 230km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Chiều tối cùng ngày, địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu xuất hiện mưa, sóng biển động mạnh. Hơn 5.000 tài thuyền đã được neo đậu vào bờ an toàn. Ngư dân tại các cảng biển cũng tấp nập chuyển hàng hóa tránh bão.
Khoảng 97.000 người dân tại các địa điểm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh BR-VT được sơ tán đến nơi an toàn. Trong đó gần 40.000 người sơ tán tại chỗ, hơn 25.000 người sơ tán tập trung.
Bà con ngư dân dự trữ lương thực để phòng bão số 9.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh BR-VT, địa bàn có gần 160.000 người nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời, ngoài ra có 400 cơ sở nuôi cá lồng bè với hơn 9.000 bè cá và các hộ kinh doanh nhà hàng bè nổi trên sông.
Lãnh đạo tỉnh BR-VT đã chỉ đạo hướng dẫn người dân chủ động phòng bão bằng các chằng chéo nhà cửa, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng… di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắn pháo hiệu thông báo tin bão khẩn cấp gần bờ cho các tàu đánh cá còn hoạt động ở khu vực nguy hiểm.
Lực lượng tàu cứu hộ luôn tức trực tại các cảng biển để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Theo quan sát của PV, vùng biển bãi sau khu vực TP Vũng Tàu xuất hiện nhiều sóng lớn, nổi bọt trắng xóa.
Chiều cùng ngày, nhóm du khách khoảng 10 người bất chấp sóng dữ và những cảnh báo nguy hiểm, kéo nhau xuống tắm biển.
Những du khách liều lĩnh dưới làn nước sâu, sóng mạnh.
Theo thống kê của UBND tỉnh BR-VT, hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.500 du khách đang lưu trú tại các khách sạn.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác cũng đã tiến hành thực địa kiểm tra công tác chống bão trên địa bàn tỉnh BR-VT.