Ngày 18/7, Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, theo phổ điểm thi mà Bộ GD-ĐT công bố, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội nhận định, phổ điểm môn Sinh có dạng phân phối chuẩn, mức điểm từ 6-7 có số lượng thí sinh cao nhất, mức điểm từ 8-10 phân hóa vừa phải, như vậy với phổ điểm này hoàn toàn đáp ứng được 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và cơ sở cho các trường Đại học sử dụng trong tuyển sinh.
Tuy nhiên, mức điểm từ 5-7 chưa phân hóa tốt do đề thi không tập trung phân hóa ở khoảng này mà chỉ tập trung mức trên 8, đây là điểm khá đáng tiếc.
So sánh với đề thi và phổ điểm môn Sinh học năm 2022, thầy Đinh Đức Hiền cho rằng đề thi năm trước có độ phân hóa tốt hơn, do đó phổ điểm chuẩn cũng đẹp hơn năm 2023.
“Xét trên tổng thể khối B, số thí từ 9 điểm trở lên với môn Toán giảm đến hơn 50%, môn Hóa giảm khoảng 30%, nhưng môn Sinh lại tăng đến 2,5 lần. Đỉnh phổ điểm khối B 2023 dịch chuyển sang bên phải của đồ thị so với 2022, nếu như 2022 mức điểm 20,5 có số thí sinh nhiều nhất thì 2023 mức điểm này là 21,5.
Dự kiến với các trường top trên, có mức điểm chuẩn từ 27 trở lên không có nhiều sự thay đổi điểm chuẩn, giữ nguyên hoặc tăng nhẹ 0,25-0,5 điểm.
Với các trường top giữa và top dưới sẽ có sự tăng điểm chuẩn mạnh hơn, có thể dao động từ 1-2 điểm. Với cơ chế cộng điểm ưu tiên hiện nay cũng sẽ tác động lớn đến điểm chuẩn, khiến điểm chuẩn không tăng quá nhiều”, thầy Đinh Đức Hiền dự báo.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội cũng nhận định, đề thi tốt nghiệp THPT 2023 bám sát kiến thức, chủ yếu tập trung ở lớp 12. Đề thi môn Toán có sự phân hóa mạnh hơn so với năm 2022, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp và là cơ sở cho các trường đại học làm căn cứ xét tuyển. Phổ điểm thi môn Toán giảm so với năm 2022, điều này đã được dự báo ngay sau khi đề thi môn Toán được công bố, số thí sinh đạt điểm 8 môn Toán giảm mạnh, chỉ bằng 2/3 so với năm 2022.
Từ phổ điểm mà Bộ GD-ĐT đã công bố, thầy Tùng cho biết, phổ điểm thi các môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Sinh học tăng, trong khi đó phổ điểm Hóa, Lý giảm. So sánh điểm theo các khối thi giữa năm 2022 và 2023, cũng như việc các trường đại học giảm dần chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, thầy Trần Mạnh Tùng dự báo điểm chuẩn xét tuyển đại học khối ngành A00 (Toán, Lý, Hóa) có thể giảm từ 0,2-0,5 điểm, điểm chuẩn khối A1 (Toán, Lý, Anh) tăng từ 0,2-0,5 điểm, khối D1 (Toán, Văn, Anh) điểm chuẩn tăng từ 0.5 – 1 điểm, khối B (Toán, Hóa, Sinh) điểm chuẩn tăng từ 0.5 – 1 điểm.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, từ mức điểm tốt nghiệp THPT năm nay, dự báo ở một số ngành sẽ có biến động một chút về điểm xét tuyển và có lẽ sẽ không tăng đối với khối khoa học tự nhiên. "Thậm chí tỉ lệ % chỉ tiêu của các phương thức tuyển sinh khác có thể tăng lên nên có thể giảm từ 0,5 - 1 điểm. Về cơ bản, theo tôi kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học năm nay không có sự biến động lớn so với năm ngoái và các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả để tuyển sinh".