Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, bày tỏ sự lo lắng khi hạ tầng TP không đáp ứng được mỗi khi mưa lớn, triều cường.
Theo ông Dũng, hiện nay, việc phân cấp công tác quản lý thoát nước tại TP HCM được chia ra nhiều đơn vị, một phần do sở - ngành chịu trách nhiệm, một phần do địa phương. Riêng sông, rạch có 27 đơn vị cùng tham gia quản lý theo từng lĩnh vực phụ trách.
Khi bố trí ngân sách duy tu nâng cấp hệ thống ống cống ở các tuyến đường lớn, các địa phương không có kinh phí làm tuyến nối từ hẻm nhỏ ra, dẫn đến ngập cục bộ.
Ngoài ra, công tác dự báo mưa tại Việt Nam rất kém. Tại Bangkok - Thái Lan, công nghệ dự báo biết trước 3 giờ, mưa xảy ra khu vực nào.
Tại Nhật Bản, cơ quan dự báo biết chính xác vũ lượng mưa trước 90 phút. Trong khi đó, tại TP HCM lại đưa ra dự báo mưa diễn ra trong 24 giờ tới, khi hỏi kỹ thì được đáp "mưa rải rác một vài nơi".
Vấn nạn rác thải cũng đang khiến các cơ quan chức năng đau đầu. "Tôi tiếp nhận một dự án vừa đưa vào sử dụng 6 tháng thì mưa một trận nhỏ đã ngập.
Huy động anh em xuống vớt rác trên các miệng cống thì nước thoát rất nhanh. Với số lượng đường tại TP HCM, huy động toàn bộ người đi vớt cũng không thể làm hết việc" - ông Dũng lo ngại.
Nói về Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020 (còn gọi là Quy hoạch 752), ông Dũng cho biết không phù hợp với thực tế. Riêng lượng mưa hiện nay vượt xa so với tính toán.
HĐND TP HCM làm việc với Sở Xây dựng TP về tiến độ và hiệu quả triển khai dự án chống ngập.
"Quy hoạch 752 lấy vũ lượng cao nhất trong vòng 3 giờ là 92 mm làm cơ sở để tính toán việc thoát nước. Gần đây, có thời điểm chỉ trong vòng 1 giờ đã đạt gần 200 mm.
Đánh giá về mức nước trên sông Sài Gòn khi thuỷ triều lên tại trạm Phú An cũng không đúng, thực tế chênh nhau hơn 40 cm" - ông Dũng dẫn chứng.
Ông Dũng cũng cho rằng quy hoạch đưa ra kế hoạch nạo vét kênh, rạch rất nhiều. Thế nhưng, đến cuối năm 2015, khối lượng cải tạo chỉ đạt 1,5% so với chỉ tiêu đề ra. Nhiều năm qua, TP HCM rơi vào cảnh không đủ tiền thực hiện.
Kênh Tham Lương – Bến Cát, giai đoạn từ 2001-2007 đã giải toả xong các hộ dân và từ năm 2015 đến nay kêu gọi nhà đầu tư với tổng chi phí 15.000 tỉ đồng nhưng vẫn chưa có kết quả tốt.