Tại buổi chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp logistics về thị trường Mỹ, bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh (HLA) thông tin, so với thời điểm năm ngoái, giá cước tàu biển đi thị trường Âu - Mỹ quý 1 năm nay đã tăng 232%, từ mức trung bình 7.000 USD lên trung bình hơn 16.000 USD, mức cước tàu biển quốc tế đi các thị trường lớn, đặc biệt là vào thị trường Mỹ liên tục biến động đã làm cho các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với nhiều khó khăn.
Bà Võ Thị Phương Lan thông tin với các doanh nghiệp về thị trường Mỹ. Ảnh HLA
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, CEO Blue Sea Transportation, cho biết: "Hiện tại doanh nghiệp có nhiều hàng tuy nhiên khó khăn nhất của công ty khi đi hàng vào thị trường Mỹ là không tìm được giá ổn định để ‘book’, giá liên tục biến động khiến doanh nghiệp phải đi lòng vòng nhiều nơi tìm kiếm đối tác".
Ngoài ra, các doanh nghiệp khác cũng cho biết, giá cước tăng cao khiến chi phí bị đội lên rất nhiều lần, họ khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác ổn định lâu dài. Sở dĩ thị trường Mỹ được nhiều doanh nghiệp hiện nay quan tâm bởi theo thống kê của HLA, trong 2 năm qua, Việt Nam luôn giữ ở vị trí thứ 2 trong top 10 nước xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Hoa Kỳ bằng đường container.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, giá cước tàu biển tuyến đi Mỹ đã giảm nhẹ so với trung bình quý 1 nhưng đại diện HLA vẫn nhấn mạnh giá cước và các dịch vụ sẽ quay đầu tăng trở lại vào thời điểm tháng 8 và tháng 9 năm nay, khi thị trường Mỹ và các nước EU tăng cao nhập khẩu cho giai đoạn cuối năm. Mức giá được dự báo không cao hơn đỉnh điểm quý 1, trung bình vào khoảng hơn 10.000 USD. Việc giá cước được trông đợi về cùng thời điểm trước dịch COVID-19 chỉ hy vọng sang đến năm 2023 mới có thể đạt được. Bà Phương Lan cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện tại, mọi diễn biến tình hình thế giới như cuộc chiến Nga - Ukraine; chính sách zero COVID của Trung Quốc; hay diễn biến giá nhiên liệu thế giới đều tác động mạnh và làm biến động giá cước tàu biển.
Trong bối cảnh đó, "các doanh nghiệp ngành logistics cần chủ động tìm kiếm những đối tác ký hợp đồng trực tiếp, tránh qua các đối tác trung gian để có được chi phí tốt nhất cho khách hàng. Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nhân sự, tối ưu quá quy trình để đảm bảo không gặp rủi ro, tiết kiệm chi phí tối đa nhất", bà Phương Lan nói. Về phía HLA, sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng giám sát việc niêm yết giá của các hãng tàu quốc tế, thúc đẩy đầu tư phát triển các hãng tàu trong nước, đặc biệt là các tuyến đường xa đi châu Âu và Mỹ, kiến nghị tháo gỡ nhanh các thủ tục để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.