Dự báo 80 triệu việc làm có thể "biến mất" vào năm 2030

Nhật Dương |

Đến năm 2030, dự báo tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới sẽ giảm 2,2%, tương đương với 80 triệu việc làm toàn thời gian...

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), gia tăng stress nhiệt do hiện tượng nóng lên toàn cầu được dự báo sẽ làm giảm năng suất toàn cầu tương đương với 80 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2030.

Dự báo này được đưa ra trên giả thiết đến cuối thế kỷ này nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5°C. Vì thế, đến năm 2030, do nhiệt độ cao hơn, tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới sẽ giảm 2,2%, tương đương với 80 triệu việc làm toàn thời gian. Mức suy giảm này tương đương với thiệt hại kinh tế toàn cầu ở mức 2.400 tỷ đô la Mỹ.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng lưu ý rằng dự báo trên chỉ mang tính tương đối do được đưa ra trên giả thiết là nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng không quá 1,5°C.

Ngành được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu là lĩnh vực nông nghiệp, trong khi 940 triệu người trên thế giới làm việc trong lĩnh vực này. Dự báo đến năm 2030, lĩnh vực này chiếm tới 60% số lượng giảm giờ làm toàn cầu do stress nhiệt.

Ngành xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chiếm 19% thời giờ làm việc toàn cầu, ước tính sẽ sụt giảm vào cùng thời điểm nói trên.

Các ngành có nguy cơ cao khác là hàng hóa và dịch vụ môi trường, thu gom phế liệu, cấp cứu, sửa chữa, vận tải, du lịch, thể thao và một số hình thức việc làm trong lĩnh vực công nghiệp có sử dụng máy móc hạng nặng.

Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh, tác động của hiện tượng này xảy ra không đồng đều trên toàn thế giới.

Khu vực sẽ chứng kiến mức độ suy giảm thời giờ làm việc nhiều nhất được dự báo là Nam Á và Tây Phi, với ước tính đến năm 2030, thời giờ làm việc ở đây sẽ giảm 5%, tương ứng với mức thiệt hại là 43 triệu việc làm ở Nam Á và 9 triệu việc làm ở Tây Phi.

Các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do họ có ít nguồn lực hơn để đáp ứng hiệu quả với hiện tượng nền nhiệt gia tăng.

Do đó, những thiệt hại về kinh tế do gánh nặng nhiệt gây ra sẽ khiến cho những bất lợi về kinh tế hiện hữu nặng nề hơn, đặc biệt là tỷ lệ người có việc làm vẫn nghèo, việc làm phi chính thức và dễ bị tổn thương, nông nghiệp tự cung tự cấp cao hơn và thiếu bảo trợ xã hội.

"Tác động của stress nhiệt đối với năng suất lao động là hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu...

Chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự bất bình đẳng lớn hơn giữa các nước có thu nhập thấp và nước có thu nhập cao và điều kiện làm việc tồi tệ hơn cho những người dễ bị tổn thương nhất", bà Catherine Saget, Trưởng ban Nghiên cứu của ILO, đồng thời là một trong những tác giả chính của báo cáo cho biết.

Do đó, để ứng phó với thực tiễn mới này, các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần khẩn thiết phải có những giải pháp phù hợp, đặt trọng tâm vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại