Tóm tắt lại, Starshot là dự án mới nhất trong serie Breakthrough cùa nhà tỷ phú Yuri Milner. Starshot sẽ chế tạo và phóng một con tàu vũ trụ với kích thước siêu bé mang tên StarChip, chỉ ngang tầm một bộ chip vi xử lý và thực hiện hành trình đến hệ mặt trời hàng xóm của chúng ta.
Gọi là “hàng xóm” nhưng hệ mặt trời Alpha Centauri cách trái đất khoảng 40 nghìn tỷ dặm.
Dự án rõ ràng gặp phải những thử thách công nghệ kỹ thuật thuộc dạng “khó xơi” nhất trong lịch sử khoa học loài người như được phân tích trong bài trước .
NASA và các tổ chức khám phá không gian đang gặp rất nhiều vấn đề trong công cuộc tìm hiểu về các hành tinh trong vũ trụ và phát hiện sự sống trong hệ mặt trời của chúng ta.
Trong năm qua, Nasa đã đặt ra hàng chục những mục tiêu họ mong muốn có thể thực hiện được và đến giờ họ chỉ mong có thể thực hiện được 1 hay 2 dự án trong đó.
Và thời điểm sớm nhất họ có thể phóng tàu vũ trụ của mình để bắt đầu hành ttrình là vào năm 2020. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được khi mỗi tên lửa hiện nay tiêu tốn đến cả nửa tỷ đô la Mỹ.
Để thực hiện hàng loạt các dự án của mình bằng công nghệ hiện tại, NASA sẽ phải huy động được số tiền sẽ khiến cả những người giàu nhất thế giới như Bill Gates há hốc mồm lắc đầu.
Và ngay cả khi họ thành công đi chăng nữa, chúng ta cũng sẽ phải chờ đợi đến hàng chục năm trời để chứng kiến những kết quả chúng đem lại.
Tại sao vốn đầu tư 10 tỷ USD thực sự không là gì so với những lợi ích dự án Starshot đem lại cho toàn nhân loại?
Dù mới chỉ được khởi động với số tiền vỏn vẹn có 100 triệu đô la Mỹ từ Yuri Milner, tỷ phú người Nga ước lượng số tiền ông mong muốn dự án có thể huy động được sẽ rơi vào khoảng 5 đến 10 tỷ đô.
Chỉ như vậy dự án mới có thể thành công nghiên cứu và phát triển ra những con tàu vũ trụ mini đạt được tốc độ từ 15 đến 20% tốc độ của ánh sáng.
Sao Hỏa, hành tinh gần trái đất cũng đã mất đến 131 ngày để con tàu Mariner 7 bay tới. Nếu sử dụng StarChip bạn có thể phóng chiếc tàu vũ trụ tí hon sau khi ăn sáng và nhận ngay những bức ảnh chụp và thậm chí là thông tin phân tích mẫu vật trước bữa tối một cách ngon lành.
Chưa hết, chỉ trong một thời gian ngắn, bạn có thể thực hiện đến hàng trăm chuyến bay như vậy.
"Lịch sử con người đã có nhiều bước ngoặt lớn. Hôm nay chúng tôi chuẩn bị cho bước ngoặt kế tiếp, tới các vì sao. Trái đất là một nơi tuyệt vời nhưng có thể nó sẽ không tồn tại mãi với chúng ta.
Sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ phải tìm đến các ngôi sao trên bầu trời ấy. Breakthrough Starshot đơn giản là bước đi đầu tiên trên hành trình ấy". Stephen Hawking nói trong buổi ra mắt dự án.
Những câu hỏi về sự sống trong hệ mặt trời còn bỏ ngỏ vì công nghệ khám phá vũ trụ quá bất tiện và “thô sơ” hiện nay
Mặt trăng Europa của sao Mộc thường được nhắc đến trong các bộ phim khoa học viễn tưởng liên quan đến sinh vật ngoài hành tinh, ẩn chứa trong mình một bể nước khổng lồ dưới lớp bằng bên ngoài của mình.
Những trận lở đất trên bề mặt của hành tinh từ lâu đã ám ảnh giới nghiên cứu về sự sống ngoài vũ trụ.
Với chi phí rẻ mạt của những con tàu StarChip, chúng ta có thể “hy sinh” vài con tàu để phân tích các yếu tố nằm dưới bề mặt của Europa, biết đâu dưới đó những con cá vũ trụ đang tung tăng bơi lội chỉ chờ được phát hiện?
Bay xung quanh sao Thổ, hố phun tại cực Nam của mặt trăng Enceladus cũng đã được quan sát thấy. Nhiều nhà khoa học đã thổ lộ mong muốn cử những con tàu vũ trụ lên đó, nếm thử xem dòng chất được phun ấy liệu có “mùi vị” của sự sống hay không.
Titan, mặt trăng cùng hành tinh với Enceladus, có khí hậu quá lạnh đối với hầu hết động vật tại trái đất. Nhưng điều này có thể nhen nhóm sự phát triển của những loài sinh vật hoàn toàn khác chúng ta.
Dự án Starshot cũng tạo cơ hội cho chúng ta giải mã được sự huyền bí của hành tinh thứ 9 đang gây nhiều tranh cãi cùng với những giả thiết hết sức thú vị như giả thiết cho rằng nó là nguyên nhân cho sự tuyệt chủng của loài khủng long .
Theo nhiều giả thiết đặt ra, sự sống trên trái đất bắt nguồn từ ngoài hành tinh, cụ thể là những phân tử hữu cơ đã tình cờ viếng thăm trái đất trên chuyến du hành vũ trụ của mình trên các vân thạch bay tự do.
Với khả năng khám phá vũ trụ của các con tàu StarChip những câu hỏi về nguồn sự sống con người có lẽ cũng sẽ được hé lộ sớm.
Từ xưa đến nay những ngôi sao trên bầu trời được chúng ta coi như hiện tượng vô định, một bức tranh bất động, bất khả xâm phạm.
Đã đến lúc con người vươn xa hơn và chạm tay đến những vì dao ấy? Biến chúng trở thành những vật thể đơn giản như bao vật thể khác và khẳng định vị thế của nhân loại trong vũ trụ?
Theo ước đoán của nhóm nghiên cứu, StarShot có lẽ sẽ đi vào hoạt động trong khoảng 20 năm tới. Dù có vẻ lâu, nhưng cần phải nhớ rằng, sự ra đời của công nghệ này sẽ thúc đẩy tốc độ khám phá vũ trụ hiện nay của con người.
Và chỉ có thế chúng ta mới có thể mong trong thế hệ của mình nhan loại có chứng kiến lời giải đáp của vũ trụ về sự tồn tại của chúng ta, của những sinh vật ân nấp dưới các hang hốc sâu thẳm ở vũ trụ và về những hành tinh có khả năng duy trì sự sống của con người.