“Dân tức mắt vô cùng”
Tại buổi làm việc với Ủy ban MTTQ VN thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, vụ việc ở Nam Ô cần phải xem lại công tác dân vận và sẽ phải nói về câu chuyện dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.
Bởi thực tế hiện nay, khi thành phố cần dự án, cần giải phóng mặt bằng thì kêu gọi người dân đồng thuận, di dời.
Tuy nhiên việc lắng nghe ý kiến, tâm tư tình cảm, đề bạt của người dân thì chưa được thấu đáo. Nam Ô là làng chài cổ nhất của Đà Nẵng, có một mộ tiền hiền 700 năm, có đền thờ bà Liễu Hạnh, có làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng...
Nhưng dự án khu du lịch sinh thái rộng 36,6ha đã phủ kín hết, xóa hết làng chài Nam Ô. Người dân từ trước đến nay mở mắt ra là thấy biển, nhưng nay mở mắt thấy hàng rào tôn thì “tức mắt vô cùng”.
“Chúng ta có đơn giản trao mộ tiền hiền 700 năm lịch sử của Đà Nẵng cho doanh nghiệp người ta quản lý không, trong khi người dân đang quản.
Cả làng Nam Ô có một sân bóng đá như thế mình chẳng mở rộng ra thì thôi, nay lại đi thu hồi giao hết cho doanh nghiệp, có nghĩa là từ nay điều kiện sinh hoạt văn hóa vui chơi của thanh thiếu niên, trẻ con sẽ không còn.
Từ hôm đó đến nay, tôi chắc các đồng chí Mặt trận cũng chưa vào cuộc vụ này”, ông Nghĩa nói.
Bí thư Đà Nẵng cho biết đã đề nghị quận Liên Chiểu lắng nghe ý kiến người dân, đề xuất thành phố.
Trong quá trình xem xét điều chỉnh giấy phép xây dựng phải lắng nghe ý kiến người dân sao cho hài hòa giữa ý kiến người dân và doanh nghiệp. Làm sao có một dự án hài hòa nhất
“Nếu các đồng chí làm kịp thời thì đã có thể ngăn cản được những sai lầm. Đó mới là mục tiêu lớn… Nam Ô ầm ĩ, cả nước biết chuyện này, nhưng chưa thấy mặt trận làm gì cả”, ông Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói.
Rất may vì còn cơ hội để điều chỉnh
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến dự án này tại buổi họp báo quý I/2018 vào chiều cùng ngày, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: dự án này có từ trước năm 2010 và thành phố đã giao đất, thu tiền của nhà đầu tư.
Dự án này đáng lẽ đã triển khai từ lâu nhưng do quá trình giải phóng mặt bằng chậm, nên dự án chậm được triển khai.
Sau khi có các thông tin về dự án gây xôn xao dự luận, UBND thành phố Đà Nẵng đã làm việc với chủ đầu tư dự án. Hiện thành phố đã chỉ đạo, giao cho Sở Xây dựng và chủ đầu tư dự án này tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch trên tinh thần dù dự án giao cho nhà đầu tư nhưng phải tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng.
Theo ông Thơ, tinh thần chung của việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch dự án này phải dựa trên các việc cụ thể như: mở một số lối xuống biển rộng rãi để nhân dân khu vực Nam Ô sinh hoạt, xuống biển một cách bình thường, không để xảy ra tình trạng như các dự án resort tại quận Ngũ Hành Sơn; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử tại làng Nam Ô; nghiên cứu phục hồi, mở rộng làng nghề nước mắm Nam Ô thành một khu vực trình diễn nhưng sản xuất sẽ là khu vực khác; đường ranh giới giữa khu du lịch và khu dân cư hiện trạng phải được mở rộng ra, không có rào che chắn; cải tạo nâng cấp khu dân cư, mở rộng các kiệt hẻm để biến thành khu vực người dân có thể tham gia hoạt động du lịch; nghiên cứu sử dụng, tận dụng khả năng hoạt động của các thuyền thúng vào trong hoạt động du lịch…
“Nhà đầu tư đã tuân thủ, bày tỏ thiện chí tích cực, ủng hộ tất cả những việc này không như những nhà đầu tư khác đã triển khai dự án. Rất may dự án chưa triển khai nên còn có cơ hội để điều chỉnh”, ông Thơ cho biết.
"Nếu các đồng chí làm kịp thời thì đã có thể ngăn cản được những sai lầm. Đó mới là mục tiêu lớn… Nam Ô ầm ĩ, cả nước biết chuyện này, nhưng chưa thấy mặt trận làm gì cả", ông Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói.