Trước khi xảy ra vụ CEO của Sky Mining bỏ trốn diễn ra, một vụ ghi lừa đảo về tiền số rất lớn trước đó là Modern Tech cũng đã xảy ra, với hàng chục nghìn nạn nhân. Vì sao trường hợp như Sky Mining vẫn tiếp diễn được?
Những trường hợp lừa đảo đầu tư như vậy sẽ vẫn còn đất sống vì trong xã hội còn có nhiều người hơi tham so với kiến thức của họ về lĩnh vực đó.
Trong khi đó, những công ty trên đánh vào lòng tham của nhà đầu tư bằng cách cam kết, hứa hẹn lãi suất cao ngất trời. Đi kèm với lãi suất cao là sản phẩm đầu tư mới lạ, thời thượng, và những câu chuyện đầu tư thành công, đổi đời; cuộc sống giàu có, hào nhoáng…
Để tăng tính thuyết phục, họ lại dùng thêm chiêu đa cấp tài chính (mô hình Ponzi) họ trả thêm tiền chiêu dụ cho nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cấp X lôi kéo, kết nạp bạn bè, người quen thành nhà đầu tư cấp X+1… Các chiêu ấy, tuy thô thiển, nhưng lại hiệu quả với những người như tôi nói ở trên.
Ông Lâm Minh Chánh, người sáng lập Trường kinh doanh BizUni
Theo ông, để nhận diện một dự án đầu tư tài chính có dấu hiệu lừa đảo nên căn cứ vào những yếu tố nào?
Để nhận diện sự lừa đảo, hay độ rủi ro của các dự án đầu tư, chúng ta nên xem xét các yếu tố và hỏi các câu sau:
Không nên tin bất kỳ dự án nào cam kết là không có rủi ro. Ngoại trừ đầu tư vào trái phiếu chính phủ được xếp hạng AAA, tất cả những đầu tư trên đời này, kể cả gởi tiền tiết kiệm ngân hàng đều có rủi ro. Có các rủi ro chính như sau: rủi ro mất vốn, rủi ro không đạt tỷ suất lợi nhuận, rủi ro thanh khoản (không chuyển được tài sản, đầu tư thành tiền)…
Không tin dự án nào cam kết lãi suất cao. Bất cứ dự án nào cam kết chắc chắn đạt lãi suất đầu tư cao X%/năm trở lên đều có vấn đề. Người làm kinh doanh, đầu tư tài chính rất rất khó có thể cam cam kết lãi suất đầu tư ở mức gấp đôi, gấp ba ngân hàng. Vậy mà họ cam kết cao gấp 10, 20, thậm chí 50 lần so với ngân hàng thì chắc chắn là lừa đảo.
Hôm trước, tôi viết điều này trên trang cá nhân, có bạn vào comment rằng: các cổ phiếu như Amazon, Facebook, tăng gấp mấy trăm lần thì sao. Tôi trả lời: trước khi nó tăng có ai dám cam kết? Có hàng trăm, hàng ngàn công ty như Amazon, Facebook, chúng ta đâu biết công ty nào chắc chắn thành công?
Và có những câu hỏi sau, chúng ta cần phải hỏi và tìm trả lời:
Pháp lý có ổn không? Nếu xảy ra lừa đảo, tranh chấp thì hợp đồng đó có bảo vệ được chúng ta không?
Công ty đó có "tóc" không? Nhiều công ty tự PR rất hầm hố, nhưng thật sự không có lực, chưa có uy tín, và không chịu sự quản lý của Nhà nước… Không có tóc như thế, chúng ta lấy gì nắm?
Họ làm ra tiền bằng cách nào? Tại sao họ làm ra tiền nhiều như vậy? Mình hiểu biết về lãnh vực này không? Không biết thì sao lại đầu tư?
Lãi suất cao như thế thì sao các tổ chức đầu tư, các ngân hàng không rót tiền vào, mà họ lại tốt bụng mời chúng ta hưởng?
Tiền của chúng ta ai giữ? Tiền được đảm bảo bằng gì? Trường hợp của Sky Mining thì tiền đưa hết cho họ, đổi lại là báo cáo về những cái máy đào.
Lấy gì đảm bảo là tất cả tiền đã mua máy đào, đã vậy máy đào lại do Sky Miming giữ thì xem như nhà đầu tư đã giao tiền để lấy… vịt trời.
Trên thực tế, cả với trường hơp của Sky Mining và Modern Tech diễn ra trước đó, những người bỏ trốn từng có lý lịch tốt với thành công được nhiều người biết đến trong lĩnh vực tiền số. Theo đánh giá của ông, họ có dự tính lừa đảo ngay từ đầu không khi đã giàu (có hàng triệu USD), thành công và chưa có tiền sử về lừa đảo?
Trường hợp của Sky Mining thì chỉ có ông Lê Minh Tâm trả lời là chính xác nhất. Tuy vậy, chúng ta có thể dự đoán 2 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Ông ta cố tình lừa đảo từ đầu.
Trường hợp 2: Ông ta mượn đầu heo nấu cháo, để chơi cuộc chơi may rủi với giá Bitcoin.
Như đã phân tích bên trên, với cam kết lãi suất cao, câu chuyện thần kỳ của tiền ảo và phương thức chiêu dụng đa cấp, Sky Mining là máy thu hút tiền của người dân. Tiền của những người vào sau đủ lớn để trả lãi suất cho người đi trước, và dư ra để ông ta đào Bitcoin, mua Bitcoin.
Ông ta có thể đã mong chờ Bitcoin tăng giá mạnh như trước đó… Chỉ cần 1 cú tăng 300%, 400% thì ông ta lời to, đủ trả hết cho các nhà đầu tư và kiếm lời lớn. Nhưng giá Bitcoin đã xảy ra không như ông ta và nhiều người mong muốn. Tốc độ tiền của những nhà đầu tư sau này vô chậm lại, thế là Sky Mining phá sản.
Trong trường hợp 2, Ông Lê Minh Tâm không lừa đảo. Ông ta chơi trò chơi đầu tư may rủi, với rủi nhiều hơn may, và ông ta chuyển cái rủi đó cho những nhà đầu tư thiếu hiểu biết. Kết quả là ông ta phải trốn, và nhiều nhà đầu tư vỡ nợ.
Với trường hợp của CEO Sky Mining, ông Lê Minh Tâm viết là đã hết cách rồi và do không tính trước được, ông nghĩ thế nào về điều này?
Cũng có thể ông ta đã viết đúng suy nghĩ của mình. Ông ta đã không tính được đồ thị của giá Bitcoin. Ông ta kỳ vọng giá Bitcoin tăng mạnh khi ông ta đang sở hữu dòng tiền từ nhà đầu tư. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ông ta đã hết cách xoay tiền để trả lãi suất cao ngất cho các nhà đầu tư.
Câu chuyện của Bitcoin và tiền số với những người giàu lên nhanh chóng như cổ tích được nói khá nhiều, nhưng cũng trong số người đó có người đi tiếp và chịu thảm cảnh. Phía sau điều này là gì?
Tiền kiếm dễ thì cũng mất dễ. Nhiều nhà đầu tư kiếm tiền quá dễ, thì họ mất tiền cũng dễ. Nhưng cũng có những nhà đầu tư tận dụng được tiền kiếm từ các phi vụ này để đầu tư vào ngành khách và thành công.
Từng là Tổng Giám đốc công ty chứng khoán, rồi Tổng giám đốc Sàn vàng, chuyên gia về đầu tư tài chính. Ông có đầu tư vào tiền ảo không?
Từ 2010 đến nay tôi tập trung vào đầu tư trực tiếp: khởi nghiệp và vận hành doanh nghiệp.
Hiện nay tôi có 2 startup chuyên về công nghệ: SuperVIP kinh doanh thẻ khách hàng thân thiết online, và Trường Kinh doanh BizUni chuyên dạy các lớp về quản lý doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp, giám đốc…Thỉnh thoảng, tôi vẫn đầu tư tài chính, tôi vẫn mê đầu tư vàng.
Về đồng tiền điện tử tôi cũng rất thích nhưng chưa đầu tư. Lý do thứ nhất: mặc dù tôi cố gắng tìm hiểu mấy năm nay nhưng vẫn chưa hiểu rõ về nguyên lý hoạt động, nguyên tắc tạo ra, và những rủi ro tiềm ẩn của nó. Món này nói sơ bộ thì dễ, nhưng hiểu sâu sắc thì khó lắm.
Lý do thứ hai, tôi nghĩ rằng những người giỏi về công nghệ hoặc những nhà đầu tư cá mập họ nắm thông tin về tiền điện tử nhiều hơn chúng ta. Nếu chơi một cuộc chơi mà mình không biết người khác có lợi thế hơn mình bao nhiêu thì đừng nên tham gia.
Nói vui, nếu bạn chơi casino, chơi các trò chơi may rủi, bạn còn biết rõ lợi thế của nhà cái là bao nhiêu. Ví dụ trò chơi Roulette lợi thế của nhà cái là 1/36. Đầu tư chứng khoán, thì còn có Ủy ban Chứng khoán, sàn chứng khoán tạo ra cuộc chơi gần công bằng.
Còn tiền điện tử, cuộc chơi có thật sự công bằng, hay chúng ta phải dự đoán theo các ông lớn?
Lý do thứ ba: đến bây giờ nhà nước Việt Nam vẫn chưa công nhận chính thức đồng tiền điện tử. Về mặt pháp lý như vậy là chưa ổn.