Dự án 800 triệu USD 'hồi sinh dòng sông chết' hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô hẹn bao giờ về đích?

Thái Hà |

Khởi công đã 8 năm song dự án hệ thống xử lý nước thải trị giá 800 triệu USD nhằm "hồi sinh" dòng sông ô nhiễm nhất Hà Nội vẫn chưa xác định được ngày khánh thành.

Trong những ngày qua, câu chuyện "hồi sinh" sông Tô Lịch với phương pháp xây đập tràn trên sông Hồng, lấy nước thau rửa nguồn ô nhiễm lại khiến nhiều người mong chờ về một viễn cảnh sông Tô Lịch trở thành điểm nghỉ ngơi, thư giãn giữa lòng Thủ đô. 

Dự án 800 triệu USD 'hồi sinh dòng sông chết' hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô hẹn bao giờ về đích?- Ảnh 1.

Nhiều người mong chờ sông Tô Lịch sẽ không còn là dòng sông chết. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Hơn 20 năm qua, TP Hà Nội thí điểm nhiều giải pháp nhằm "hồi sinh" sông Tô Lịch, trong đó dự án giá trị nhất phải kể đến dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá trị giá 800 triệu USD nhưng vẫn chưa "về đích" sau 8 năm xây dựng.

Dự án 800 triệu USD "hồi sinh" sông Tô Lịch

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải với mục tiêu "hồi sinh" hàng loạt con sông "chết" do ô nhiễm như sông Tô Lịch, sông Nhuệ,... tại Hà Nội, với tổng mức đầu tư 800 triệu USD. Nhà máy được xây dựng tại cánh đồng Yên Xá, huyện Thanh Trì.

Dự án 800 triệu USD 'hồi sinh dòng sông chết' hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô hẹn bao giờ về đích?- Ảnh 2.

Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá nhìn từ trên cao. Ảnh: Đại Đoàn kết

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá khi hoạt động sẽ góp phần xử lý một phần nước thải sinh hoạt cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì, đặc biệt là giúp "giải phóng" con sông Tô Lịch ô nhiễm nặng giữa trung tâm Thủ đô.

Dự án bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công suất 270.000m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng 52,62km (đường kính 315 - 2.200mm). Nhà máy xử lý nước thải được xây dựng tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì với diện tích khoảng 13,8ha.

Dự án được khởi công tháng 10/2016, dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng phải lùi 2 lần sang năm 2022 và mốc mới nhất là 2025.

Dự án có 35 gói thầu lớn nhỏ nhưng công tác triển khai thi công, xây dựng tập trung vào 4 gói thầu, đấu thầu quốc tế số 1, 2, 3, 4 và gói thầu dịch vụ tư vấn. Trong quá trình thi công, dự án đã gặp nhiều vấn đề phát sinh không lường trước dẫn đến chậm trễ kéo dài, đồng thời phát sinh chi phí.

Cụ thể, đối với gói thầu số 1 (xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá) và gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính) khi kéo dài thời gian thực hiện đã phát sinh chi phí (chi phí dừng chờ thiết bị, vật tư…).

Dự án 800 triệu USD 'hồi sinh dòng sông chết' hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô hẹn bao giờ về đích?- Ảnh 3.

Viễn cảnh "hồi sinh" của dòng sông Tô Lịch. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

 Quý II năm 2024 vận hành thử hệ thống xử lý nước thải Yên Xá 

Tại buổi kiểm tra tiến độ thi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá cuối tháng 2/2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của dự án, đặc biệt việc làm sạch các con sông quan trọng của Thủ đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét phục vụ cho gần một triệu dân trong phạm vi 6 quận nội thành và huyện Thanh Trì, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xử lý nước thải của Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, dự án được khởi công đã lâu nhưng có nhiều tồn tại vướng mắc nhiều năm chưa được giải quyết. 

Báo cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đơn vị thi công cho biết đến nay, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá do Nhà thầu Liên danh JFE-TSK (Nhật Bản) thi công đã hoàn thành 97%, dự kiến vận hành thử trong quý II/2024, đi vào hoạt động chính thức trong năm 2024.

Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính do nhà thầu Công ty TEKKEN (Nhật Bản) thực hiện đến nay đã hoàn thành 90% tiến độ công việc. 

Gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ đạt khoảng 10% khối lượng; gói thầu số 4 xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới đạt khoảng 16% khối lượng công việc.

Ông Đinh Tiến Dũng nhận xét, bên cạnh tiến độ triển khai thi công rất tích cực của gói thầu số 1, 2 thì tiến độ gói thầu số 3, 4 vẫn còn chậm. Để giải quyết các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến đồng loạt dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu.

Theo đó, UBND thành phố, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cần tạo mọi điều kiện của chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị có liên quan được bàn giao mặt bằng, cấp phép công trình ngầm và triển khai thi công đảm bảo tiến độ. Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện để hoàn thành nhanh nhất việc này.

Dự án 800 triệu USD 'hồi sinh dòng sông chết' hơn 2.000 năm tuổi của Thủ đô hẹn bao giờ về đích?- Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra Gói thầu số 1 Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Nguồn: ITN

Ban Quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội tập trung phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng gói thầu số 3 cũng như hoàn thiện thủ tục sớm đấu thầu lựa chọn nhà thầu gói thầu số 3 trở lại ngay trong năm 2024; đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công gói thầu số 4 bảo đảm hoàn thành trong năm 2025. 

Về xử lý bùn thải từ nhà máy, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu tổng thể, quyết liệt để sớm có báo cáo đề xuất giải pháp căn cơ, lâu dài bảo đảm nhà máy vận hành an toàn, bền vững.

Để các dòng sông của thành phố ‘sống lại’, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, sau khi dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu phương án bổ cập nước vào các dòng sông.

Sông Tô Lịch, còn được người dân gọi một cách thân mật là sông Tô, cũng từng là một hào nước thiên nhiên quy mô lớn bao quanh thành Thăng Long, giữ vai trò là một tuyến đường thủy quan trọng và phần nào xác định ranh giới của kinh đô xưa kia.

Trong quá khứ, sông Tô là một nhánh chảy từ sông Cái (nay là sông Hồng), và có kết nối với Hồ Tây. Thời kỳ nhà Nguyễn, mặc dù sông Hồng đã thay đổi dòng chảy và không còn chảy vào sông Tô, khiến cửa sông Tô bị nạn bồi lấp, song Tô vẫn duy trì vai trò của mình.

Tuy nhiên, vào năm 1889, người Pháp đã tiến hành lấp một phần của sông Tô để xây dựng 36 phố phường. Sau khi hai cửa sông bị chặn lại hoàn toàn, không còn liên kết với sông Hồng hay thông với Hồ Tây, sông Tô dần trở thành một con sông ô nhiễm nặng nề vì phải chứa lượng nước thải khổng lồ từ thành phố.

Con sông rộng lớn này, sau hơn 2000 năm lịch sử, trở thành một cống nước thải đen ngòm, không chỉ khiến Thủ đô mất đi một di sản tự nhiên quý giá mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cư dân xung quanh trong nhiều thập kỷ vừa qua.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại