Toàn cảnh dự án cải thiện môi trường nước tại thành phố Huế
Dự án Cải thiện môi trường nước ở thành phố Huế có tổng kinh phí đầu tư 24,8 tỷ yên (khoảng 5.052 tỷ đồng, tỷ giá tháng 6/2021) từ nguồn vay ODA Nhật Bản, khởi công từ tháng 8/2015. Dự án triển khai trên địa bàn 11 phường ở phía nam thành phố Huế nhằm xử lý khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt của khu vực này.
Điểm nhấn của dự án là nhà máy xử lý nước thải trên diện tích 9,5 ha tại phường An Đông, có kinh phí hơn 900 tỷ đồng và đã hoạt động thử nghiệm từ năm 2020. Trung bình mỗi ngày nhà máy tiếp nhận khoảng 10.000-15.000 m3 nước thải có màu đen đặc.
Nước thải sau khi được xử lý sơ bộ được chuyển vào hệ thống các bể lọc dưới lòng đất. Tại đây, nước thải sẽ được thanh lọc qua bởi than hoạt tính trong quy trình khép kín.
Nước và bùn thải sẽ được tách riêng ở hai bể chứa. Trong bể chứa sẽ có hệ thống làm sạch bùn.
Sau đó, bùn sẽ được ép lại làm phân bón còn nước thải sẽ được sử dụng để tưới cây xanh trong nhà máy và thải ra sông theo đường ống ngầm.
Trước đó, nước thải, nước mưa sẽ được thu gom từ nhà dân qua một hệ thống cống thoát nước hỗn hợp.
Sau đó, lượng nước thải này sẽ được 8 trạm bơm đặt gần sông An Cựu, sông Như Ý đẩy về nhà máy.
Sau quá trình thi công, dự án cải thiện môi trường nước ở thành phố Huế có đến 1.400 tỷ vốn kết dư từ các khoản tiết kiệm trong quá trình thi công, nguồn dự phòng của các hợp đồng xây dựng.
Từ nguồn vốn dư khổng lồ này, thành phố Huế đã coi đây là cơ hội để đầu tư các hạng mục nhằm tăng hiệu quả của dự án.
Hiện các dự án sử dụng vốn dư đang được tích cực triển khai. Trong ảnh là dự án xây dựng kè chống xói mòn trên sông An Cựu, cách không xa trạm bơm đưa nước về nhà máy xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, số vốn kết dư còn được sử dụng để chỉnh trang đường phố như trải nhựa, lát lại vỉa hè tại các tuyến đường như Lê Lợi, Lê Quý Đôn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt...