Chính phủ Ấn Độ đang chuẩn bị tiến hành dự án tạo ra con sông dài nhất thế giới bằng cách nối liền mạng lưới sông ngòi trên đất nước này.
Dự án này được gọi là Inter Linking of River (ILR), mang "tham vọng" tạo ra 30 kênh đào siêu lớn và 3.000 con đập, để nối liền khoảng 30 con sông lớn chảy qua dãy Himalayas và bán đảo Deccan.
Mục đích "khó tin" của mạng lưới sông siêu dài này là để chống lại cả hạn hán và lũ lụt bằng cách chuyển nước từ những khu vực "thặng dư" tới những nơi khô hạn, tạo ra khoảng 35 triệu hecta đất trồng trọt và sản xuất ra 34.000 MW điện.
Dự án này đã được ấp ủ từ rất lâu, nhằm mục đích giải quyết bài toán "nan giải" về vấn đề hạn hán và lũ lụt ở quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, vì lý do chính trị và tính khả thi chưa đảm bảo nên dự án đã bị ngừng trệ vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Cho đến tận năm 2014, dự án mới bắt đầu phục dựng trở lại trong một chiến dịch bầu cử của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Kết quả là dự án đang trở nên dần thực tế hơn.
Theo Cơ quan phát triển tài nguyên nước ở Ấn Độ cho hay, quốc gia này đã hoàn thành kế hoạch chi tiết cho dự án trị giá hàng tỷ đô la.
Dự án gây nhiều tranh cãi nhất?
Tuy nhiên, dự án con sông dài nhất thế giới của Ấn Độ đang gặp phải nhiều tranh cãi từ phía nhiều chuyên gia môi trường.
Sự phản đối không chỉ nằm ở mức kinh phí ước tính là 168 tỷ đô la, thời gian thực hiện dự án mất tới hàng thập kỷ, mà còn ở các vẫn đề kinh tế-xã hội phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân.
Theo các chuyên gia môi trường ở Ấn Độ cho biết, việc phân chia và điều chỉnh nước từ lưu vực những con sông chứa nhiều nước sang những nơi ít hơn là không hề dễ dàng một chút nào.
Câu hỏi đặt ra là liệu một con sông tự nhiên có thực sự là "dư thừa" nước?
Ấn Độ lên kế hoạch nối liền những dòng sông lớn với hàng loạt kênh rạch và nhiều con đập lớn, dự án mang tên ILR đang gây ra nhiều tranh cãi.
Chuyên gia Latha Anantha của Trung tâm chuyên nghiên cứu về các dòng sông giải thích rằng: "Đa số sông ngòi được bổ sung nước mưa vào đợt gió mùa, nhưng không chắc để cho rằng một trong số chúng là thừa hay thâm hụt".
Quá trình biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến độ lên xuống thất thường đối với mực nước ở mỗi con sông. Hơn nữa, việc quy hoạch những con sông theo mạng lưới của dự án ILR sẽ có tác động đáng kể đến sinh thái, như làm giảm nguồn cung cấp phù sa và gây xói mòn vùng ven biển và đồng bằng, gây ra nhiều thảm họa môi trường.
Một vấn đề quan ngại nữa đó là sự khác biệt trong hệ thống sông. Theo Ủy ban về cải tạo nước do Bộ Tài nguyên Nước bổ nhiệm cho rằng: "Con người lệ thuộc quá vào nguồn nước "thặng dư" ở các con sông vào mùa mưa. Việc biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng khiến cho lượng nước mưa ở các dòng sông trong tương lai sẽ không được đảm bảo".
Nhà khoa học Sachin Gunthe của Viện Công nghệ Ấn Độ ở Madras nhận định: "Nhưng rất có thể những nơi thiếu nước ngày nay có thể trở nên dư thừa trong tương lai do khí hậu biến đổi thất thường. Vì vậy, tại sao phải kiếm tìm lý do để tìm cách nối liền những dòng sông này?".
Theo các chuyên gia nhận định, dự án chưa đi sâu vào những ảnh hưởng liên quan. Mục tiêu chính của dự án ILR là ngăn chặn lũ lụt ở một số khu vực ở Ấn Độ nhưng lại quên mất những giá trị "tuyệt vời" đằng sau của lũ lụt.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, những trận lũ kéo tới thường mang lại một lượng phù sa khổng lồ, có thể làm giảm hiện tượng xói mòn ở ven biển, và còn giúp tái tạo nguồn cung cấp nước ngọt ở bên dưới thềm lũ.