Tính đến 8h22 sáng 9/3 theo giờ Hà Nội, Dow Jones futures giảm 1.070 điểm, tương đương 4,13%. S&P 500 futures cũng mất 133,88 điểm, tương đương 4,53% trong khi Nasdaq bị thổi bay 379,37 điểm, tương đương 4,46%.
Tỷ lệ nghịch với việc các chỉ số chứng khoán tương lai cắm đầu lao dốc, S&P 500 VIX futures đã tăng 7,3 điểm, tương đương 20,2% lên 43,47 điểm. S&P 500 VIX là chỉ số vốn được dùng để đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư.
Sự sụt giảm của chứng khoán tương lai Mỹ báo hiệu một tuần giao dịch sóng gió, không chỉ của chứng khoán Mỹ mà còn với chứng khoán toàn cầu. Tuần trước, chứng khoán Mỹ đã trải qua một tuần điên rồ khi các chỉ số tăng giảm đan xen, tạo ra những sóng gió nghiêm trọng trên thị trường.
Trong bối cảnh thị trường hỗn loạn, các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm các tài sản an toàn hơn trong bối cảnh sự lo ngại virus corona phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy kinh tế vào suy thoái ngày một tăng cao.
Không chỉ có chứng khoán, lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ cũng đã tụt xuống dưới 0,5% trước khi đóng cửa ở 0,5533% ở giao dịch cuối cùng.
Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy Cục dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ cắt giảm lãi suất ở mức 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3 sắp diễn ra. Nghiên cứu cho thấy, có 86% cơ hội FED sẽ cắt giảm lãi suất ở mức 75 điểm cơ bản, tăng từ mức 65% trong nghiên cứu hôm 6/3.
Việc Ả rập Xê út quyết định giảm giá bán dầu thô tháng Tư tạo ra một bước ngoặt không ngờ cho những nỗ lực cứu thị trường dầu mỏ trước nguy cơ virus corona lây lan. Động thái của Ả rập Xê út được đưa ra sau khi cuộc đàm phán của OPEC sụp đổ.
Adam Crisafulli, nhà sáng lập của Vital Knowledge, cho biết: "Giá dầu đã trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn của các thị trường so với virus corona. S&P 500 không thể tăng trưởng một cách bền vững khi giá dầu tiếp tục hỗn loạn".
Trong phiên giao dịch tệ nhất, dầu Brent đã giảm 30% xuống còn 32,05 USD/thùng. Dầu thô West Texas của Mỹ cũng giảm 27% xuống còn 30 USD/thùng.
Ở thời điểm hiện tại, toàn thế giới có 109.000 ca nhiễm corona với 3.801 trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Ở Mỹ, tình hình cũng trở nên nghiêm trọng hơn khi New York, California và Oregon đều đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, vàng, một tài sản an toàn, đã vượt qua 1.700 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 12/2012. Trong khi đó, đồng chạm mức thấp của 3 năm là 2,46 USD. Đồng được ứng dụng rộng rãi trong ngành điện cũng như sản xuất. Giá bán đồng phản ánh tình trạng ngành công nghiệp toàn cầu.