Hãng hàng không Cathay Pacific Airways của Hong Kong ngày 21/10 tuyên bố sẽ cắt giảm 5.900 công việc và đóng cửa thương hiệu bay khu vực Cathay Dragon.
Với động thái này, Cathay nối dài danh sách các hãng hàng không phải cắt giảm chi phí mạnh tay để ứng phó với sự sụt giảm nhu cầu đi lại trên toàn cầu do ảnh hưởng của trận "sóng thần" mang tên đại dịch Covid-19.
Hãng tin CNBC dẫn thông tin được Cathay niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong cũng cho thấy hãng sẽ tay đổi điều kiện trong hợp đồng với phi công và tiếp viên. Tất cả các biện pháp mà hãng vừa đưa nhau đều nhằm cắt giảm 2,2 tỷ Đôla Hong Kong, tương đương gần 284 triệu USD, chi phí.
Tổng cộng, Cathay sẽ cắt giảm 8.500 vị trí, tương đương 24% tổng nhân sự, nhưng con số này bao gồm 2.600 vị trí hiện chưa có nhân viên đảm nhận do các sáng kiến cắt giảm chi phí.
"Đại dịch toàn cầu đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không, và sự thật khó khăn là chúng tôi phải tái cơ cấu công ty một cách căn bản để có thể tồn tại", Tổng giám đốc (CEO) Augustus Tang của Cathay nói trong một tuyên bố.
Trước Cathay, hai hãng hàng không lớn trong khu vực là Singapore Airlines và Qantas Airways của Australia đã công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Hiệp hội Hàng không quốc tế (IAEA) dự báo lượng khách đi máy bay trên toàn cầu phải đến năm 2024 mới phục hồi.
Cathay, hãng bay hiện có 40% số máy bay được cất ở nước ngoài, cho biết hãng dự kiến trong năm 2021 sẽ hoạt động ở mức dưới 50% so với công suất trước đại dịch.
Sau khi nhận được một gói hỗ trợ 5 tỷ USD từ chính quyền vùng lãnh thổ vào tháng 6 năm nay, Cathay đã tiến hành một đợt rà soát chiến lược mà giới phân tích dự báo kiểu gì cũng dẫn đến một đợt cắt giảm việc làm quy mô lớn.
Cathay cho biết hãng hiện đang "đốt" 1,5-5 tỷ Đôla Hong Kong tiền mặt mỗi tháng và nỗ lực tái cơ cấu sẽ giúp giảm con số này khoảng 500 triệu Đôla Hong Kong/tháng trong năm 2021. Năm tới, hãng cũng sẽ tiếp tục cắt giảm lương thưởng của các nhà điều hành.
Quyết định của Cathay đóng cửa thương hiệu hàng không khu vực Dragon cũng tương tự như động thái của Singapore Airlines trước khi xảy ra đại dịch là gộp thương hiệu bay khu vực Silkair vào thương hiệu chính.
Cathay Dragon, trước đây có tên Dragonair, vận hành phần lớn các chuyến bay của Cathay ra vào Trung Quốc đại lục. Nhu cầu bay giữa Hong Kong với đại lục đã giảm mạnh do đại dịch và kể từ phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong hồi năm ngoái.
Cathay cho biết sẽ dừng hoạt động của Dragon ngay lập tức và xin phép cơ quan chức năng gộp phần lớn các đường bay của Dragon vào Cathay Pacific cũng như bộ phận bay giá rẻ HK Express.
Cũng giống như Singapore Airlines, Cathay không có một thị trường bay nội địa để dựa vào trong lúc bay quốc tế bị hạn chế vì đại dịch.
Trong tháng 9 vừa qua, lượng hành khách của Cathay giảm 98,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng hàng hóa chuyên chở giảm 36,6%.
So với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu Cathay hiện giảm 43%. Hồi tháng 7, hãng đạt thỏa thuận với nhà sản xuất máy bay Airbus về hoãn giao hàng máy bay A350 và A321, đồng thời cho biết đang đàm phán với Boeing về hoãn giao hàng máy bay 777-9.