Nhắc đến một trong những trường đại học chuyên ngành hàng đầu về đào tạo nhóm ngành xây dựng và thiết kế tại Việt Nam, người ta không thể không nghĩ đến Đại học Kiến trúc Hà Nội. Bên cạnh các nội dung học chính quy bình thường, sinh viên Kiến trúc còn có cơ hội học tập theo những mô hình đầy mới mẻ.
Về phần mới mẻ ra sao thì cùng khám phá thôi nào!
Đây là một buổi học của các bạn sinh viên lớp 21K+, khoa Kiến trúc, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Hôm nay các bạn sẽ tiến hành học đồ án không gian xưởng K+ (xưởng đào tạo chất lượng cao khoa Kiến trúc)
Được biết, ngoài những môn chuyên ngành rất logic như Kết cấu, Cấu tạo, Vật liệu, công nghệ, Bảo tồn kiến trúc... thì các bạn sinh viên khoa Kiến trúc còn được học các môn đại cương đậm tính nghệ thuật như Mỹ thuật, Cơ sở tạo hình, Nghệ thuật ảnh, Điêu khắc, Mỹ học...
Đặc biệt nhất trong hệ thống đồ án kiến trúc từ K1-K10 trong suốt 5 năm học, sinh viên khoa Kiến trúc còn được thử thách thiết kế các loại hình kiến trúc từ nhỏ đến lớn như: chòi nghỉ, nhà ở, trường học, chung cư, công trình công nghiệp nhẹ, bảo tàng...
Mô hình concept được tự tay các bạn sinh viên Kiến trúc hoàn thiện và lắp ghép
Thầy Vương Hải Long, trưởng khoa Kiến trúc của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Bản thân kiến trúc là một ngành nghề khá đặc thù, gắn giữa nghệ thuật và kỹ thuật, nếu kết hợp vào với nhau sẽ tạo nên chương trình đào tạo, cách giảng dạy hoàn toàn khác biệt so với những khoa khác.
Có thể nói chương trình đào tạo kiến trúc sư sẽ thiên về sáng tạo mang tính thực hành, sáng tạo này có thể khác so với bên Mỹ thuật vì trường Đại học Kiến trúc có khoa Art Design (Thiết kế mỹ thuật) thì sáng tạo bên họ thiên về sản phẩm mỹ thuật ứng dụng nhiều hơn, còn kiến trúc thì phải kiến tạo ra những không gian, phục vụ cho cộng đồng. Do vậy bản thân sinh viên ngoài yếu tố nghệ thuật ra thì các bạn còn phải nắm vững rất nhiều kiến thức khác như kĩ thuật để đòi hỏi công trình xây dựng nên vừa chắc chắn, lại đáp ứng được công năng sử dụng, thẩm mỹ và kinh tế".
Thầy Long trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn
Theo thầy Long, khoa Kiến trúc khác với các khoa khác ở mô hình đào tạo theo xưởng - mô hình có thời gian vận hành đã được khoảng hơn 20 năm. Mô hình đào tạo này giúp sinh viên có sự gắn kết, hoạt động liền với câu chuyện nghề nghiệp, từ đó truyền lửa, truyền nghề giữa giáo viên và sinh viên với nhau, tạo nên môi trường học tập năng động, thỏa sức sáng tạo mà không bị gò bó trong không gian cứng nhắc của các giảng đường thường thấy ở các trường Đại học.
Các bạn sinh viên tỉ mẩn dán keo từng khúc nối trong mô hình khi cùng làm việc nhóm trong buổi học
Được biết đây là những mô hình được dựng lại theo công trình sẵn có của kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, được thực hiện trong môn học Nhập môn kiến trúc
Tùy vào tỉ lệ và độ chi tiết mà mỗi mô hình có thời gian và công sức để hoàn thiện khác nhau. Có những mô hình các bạn sinh viên phải mất nhiều ngày để đo đạc và lắp ghép
Ngoài ra, các bạn sinh viên Kiến trúc còn tham gia thảo luận, nhận xét và đánh giá đồ án ngay trong buổi học
Bạn Hoàng Sơn (sinh viên lớp 21K+, khoa Kiến trúc, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ: "Có thể nói, vỡ lẽ và hoài nghi là những cảm nhận của mình sau buổi học đồ án hôm nay, bởi những điều mình còn khúc mắc trong đồ án đã được thầy cô giải đáp chi tiết, cùng với đó là sự gợi mở giúp bản thân mình nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc dưới nhiều góc độ, từ đó khiến mình có thêm nhiều ý tưởng để hoàn thiện tác phẩm của mình hơn".
Cùng ngắm thêm những hình ảnh khác từ buổi học nhé!
Một góc nhỏ trưng bày mô hình của xưởng K+ trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Hình ảnh thư viện của xưởng, một đặc trưng riêng biệt chỉ có ở xưởng K+ trường Đại học Kiến trúc Hà Nội