Anne (tên thật là Võ Thái An, 31 tuổi) bén duyên với trình diễn múa cột từ cuối năm 2014 khi đi du dịch tại Phuket, Thái Lan. Đến nay, chị đã trở thành vũ công chuyên nghiệp và thành lập studio đào tạo các học viên có chung niềm đam mê.
Lớp học của chị An ở quận 1, TP.HCM có khoảng 100 học viên trải dài ở các độ tuổi từ 16-50 và đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Đối với Anne, múa cột chia thành 3 loại là Pole Art (múa cột nghệ thuật), Pole Fitness (múa cột thể thao) và Pole Exotic (múa cột quyến rũ). Học viên của chị luôn bắt đầu với múa cột thể thao trước vì chị tin rằng khi có kỹ thuật, sức khỏe, sự dẻo dai thì sẽ dễ dàng hơn khi thử sức với hai thể loại còn lại.
2 loại cột được lắp trong phòng tập là cột tĩnh và cột xoay. Chiều cao tối đa của cột là 3 m và đường kính 45 mm.
Đối với Võ Thái An, bài tập quan trọng nhất ở các buổi tập chính là khởi động. Bài tập khởi động kéo dài từ 15 - 20 phút đối với các lớp cơ bản và 30 - 35 phút với các lớp nâng cao. Mục tiêu của khởi động chính là nhằm hạn chế chấn thương, tăng cường thể lực và kích hoạt độ dẻo dai cho học viên.
Có rất nhiều định kiến cho rằng việc múa cột quá “khoe da, hở thịt” nhưng An cho rằng việc đó là cần thiết để cơ thể có khả năng bám chắc vào các thanh cột. Học viên ban đầu có thể mặc đồ dài vì ngại, nhưng để học nâng cao và theo đuổi bộ môn này thì buộc các bạn phải làm quen.
An luôn cho các học viên thấy được chấn thương của việc tập múa cột như rách da, bầm tím… để các bạn có thể lượng sức mình trước khi quyết định theo học. Chị cũng cho biết, đối với cuộc đời của một vũ công, việc chấn thương là điều rất khó tránh khỏi... Và An cũng từng ngã cột, phải châm cứu vì bị rút cơ lưng.
Múa cột mang đến cho học viên thêm sự tự tin. Chị TK (đến từ Nam Phi) chia sẻ rằng chị đã thử sức mình ở những bộ môn khác nhau như boxing, bơi lội… nhưng đến với múa cột, chị phải kích hoạt nhiều bộ phận trên cơ thể. nó khiến chị cảm thấy nữ tính và tự tin hơn rất nhiều so với trước đây.
Sau mỗi buổi học, Thái An luôn ghi lại đoạn múa của các học viên dù là xấu hay đẹp để học viên nhận ra được những điểm yếu của bản thân và tự tin hơn nếu sau này có biểu diễn ở bất cứ đâu.
Lúc mới bắt đầu tập luyện, Anne bị vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, ví dụ như suy nghĩ rằng phụ nữ sẽ hở hang, uốn éo trong các quán bar. Tuy nhiên, chị An nghĩ rằng sự sexy, hở hang luôn tùy thuộc vào mục đích của người trình diễn. Đối với chị, múa cột vẫn là bộ môn mang tính nghệ thuật cao.
“Một người hỏi tôi rằng học bộ môn này có dễ đi vào con đường tệ nạn không. Nhiều người cũng có cái nhìn khắt khe về bộ môn này” - Chị An kể. Tuy nhiên, sau khi xem chị trình diễn múa cột kết hợp với nghệ thuật múa đương đại họ đã dần thay đổi suy nghĩ.
Để có thể đáp ứng được những nhu cầu của học viên, An đã trau dồi bản thân bằng cách đi học rất nhiều môn bổ trợ khác nhau như tango, bachata, múa lụa… để có thể truyền đạt chuẩn xác nhất tinh thần mà các điệu nhảy hướng đến.
Điều khiến Anne tự hào nhất chính là việc có thể hoàn thành một động tác và kỹ thuật khó, đồng thời còn là truyền tải được cách thực hiện nó đến với học viên của mình. “Nhìn thấy học viên của mình ngày càng tự tin là điều tôi vô cùng tự hào”, Anne chia sẻ.