Đột biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyện lạ gì đang diễn ra?

Pha Lê |

Số lượng tài khoản chứng khoán bất ngờ tăng mạnh, gấp 3 lần so với thời điểm tháng 6 vừa qua.

Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) vừa công bố số liệu liên quan đến số lượng tài khoản chứng khoán tại thị trường trong nước.

Theo đó, tính đến cuối tháng 7, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đạt 8,31 triệu đơn vị (xấp xỉ 8,3% dân số). Con số này cao hơn 329.982 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 6 vừa qua. Mức tăng này gấp 3 lần so với tháng 6 (tăng 106.417 tài khoản). Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 2 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tháng 7 vừa qua cũng là tháng ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam cao thứ 3 lịch sử, chỉ sau giai đoạn tháng 5 - 6/2022.

Sự đột biến tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyện lạ gì đang diễn ra? - Ảnh 1.

Đồ họa: PL

Lũy kế 7 tháng đầu năm, số lượng tài khoản của cá nhân trong nước đã tăng 1,08 triệu tài khoản, cao hơn 92% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình mỗi tháng, thị trường gia tăng trên dưới 154.000 tài khoản giao dịch cá nhân trong nước.

Số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 7 vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 329.836 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 146 tài khoản.

Điều đáng nói là số lượng tài khoản tăng mạnh trong khi thị trường chứng khoán thời gian này khá ảm đạm, có nhiều phiên bốc hơi hàng chục điểm.

Sự đột biến tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyện lạ gì đang diễn ra? - Ảnh 2.

Báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán SSI cho thấy thanh khoản bình quân sàn HoSE trong tháng 7 đạt xấp xỉ 17.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn 27% so với tháng 6. Tháng 7 là tháng có giao dịch thấp từ đầu năm, chỉ sau tháng 1. Tính chung 7 tháng đầu năm, thanh khoản bình quân sàn HoSE thu hẹp còn 21.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Công ty chứng khoán này phân tích thêm, vùng hỗ trợ trung hạn 1.145 - 1.155 cho Vn-Index được kỳ vọng có thể tạo sự cân bằng.

Đồng quan điểm đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán Maybank cho hay: "Sức ép từ việc lãi suất tiền gửi nhích lên, giá vàng nhảy vọt và dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán kỷ lục… cũng là những yếu tố tác động tới VN-Index. Hiện nay, vùng 1.180 - 1.200 điểm là vùng hỗ trợ trung hạn của thị trường".

Mặc dù trong tháng 8, có nhiều yếu tố rủi ro mới nhưng theo SSI, một số yếu tố tích cực có thể đã bị bỏ qua do yếu tố tâm lý chi phối như: Rủi ro tỷ giá giảm dần; Xu hướng phục hồi lợi nhuận theo quý tích cực và định giá thị trường sẽ về mức hấp dẫn hơn khi giá tiếp tục điều chỉnh. "Theo ước tính của chúng tôi, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đang có định giá ước tính 1 năm thấp hơn so với bình quân 5 năm", SSI phân tích.

Đối với chiến lược đầu tư, SSI khuyên nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở các ngành/cổ phiếu còn dư địa mở rộng định giá và có các yếu tố hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm (Hàng tiêu dùng, Cảng - vận tải biển). "Biến động thái quá do yếu tố tâm lý cũng sẽ tạo cơ hội tốt cho các nhóm cổ phiếu có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt ổn định, cũng như các nhóm cổ phiếu có bảng cân đối mạnh. Chiến lược khuyến nghị "Tích lũy từng phần khi giá giảm sâu"", công ty này nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại