Động vật hoang dã 'sống chung' với con người

Kim Dung |

Một số loài động vật lớn nhất châu Á, gồm hổ, voi, đang bất chấp xu hướng tuyệt chủng trong 12.000 năm bằng cách phát triển mạnh mẽ cùng con người.

Một nghiên cứu do Trường Đại học Queensland (UQ) (Australia) dẫn đầu đã chỉ ra rằng, một số loài động vật lớn nhất châu Á, bao gồm hổ và voi, đang bất chấp xu hướng tuyệt chủng trong 12.000 năm bằng cách phát triển mạnh mẽ cùng con người.

Các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm hồ sơ cổ sinh vật học để so sánh sự phân bố lịch sử của 14 loài lớn nhất châu Á trong các khu rừng nhiệt đới ngày nay. Tiến sĩ Zachary Amir, thuộc Trường Khoa học Sinh học của UQ và Phòng Thí nghiệm Sinh thái Cascades, cho biết, số lượng bốn loài là hổ, voi châu Á, lợn rừng và báo hoa mai đang tăng lên ở những khu vực có cơ sở hạ tầng của con người.

“Những kết quả này cho thấy, trong điều kiện thích hợp, một số loài động vật lớn có thể sống gần con người và tránh được nguy cơ tuyệt chủng. Những kết quả này đi ngược lại quan điểm cho rằng, con người và động vật lớn không tương thích với nhau”, ông Amir cho biết.

Nghiên cứu cũng cho thấy, nạn phá rừng vẫn đang ảnh hưởng đến các loài sinh vật. Trong đó, số lượng báo gấm đã giảm mạnh ở những khu vực được khảo sát.

Tuy nhiên, ông Amir cho biết, nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu các loài động vật lớn không bị săn bắt, chúng có thể sống trong môi trường tương đối nhỏ và gần con người.

“Trước đây, chỉ có một số ví dụ về loài động vật lớn ở châu Á phát triển mạnh trong các môi trường sống nhỏ gần con người, đặc biệt là ở Mumbai (Ấn Độ) - nơi báo hoa mai xuất hiện trong công viên. Rất may, chúng tôi phát hiện, nhiều loại động vật có thể cùng tồn tại với con người”, ông Amir đề cập.

Tại một trong những địa điểm nghiên cứu ở Singapore - nơi nạn săn trộm đã bị loại bỏ và có những nỗ lực phục hồi rừng đáng kể, hai loài động vật lớn đang phát triển mạnh trở lại. Theo ông Amir, Singapore đã chứng kiến quá trình tái hoang dã tự nhiên của hươu sambar và lợn rừng.

“Nếu chúng ta nhân rộng những nỗ lực bảo vệ đó trong các khu rừng lớn hơn và khu vực khác, chúng ta có thể thấy những tác động tích cực trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trước khi điều này có thể xảy ra, con người cần cùng nhau hành động và hạn chế săn trộm”, ông Amir nhận định.

Trong khi đó, Tiến sĩ Matthew Luskin của UQ cho biết, nghiên cứu cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh mẽ của lợn vòi, tê giác Sumatra, gấu chó và các động vật lớn khác. Ông cho biết, nghiên cứu đã mang đến cơ hội định hình tương lai của tự nhiên.

Theo Phys

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại