Động thái “quen mà lạ” của doanh nghiệp địa ốc, nhằm giữ nhiệt cho thị trường cận Tết?

Hạ Vy |

Việc một số doanh nghiệp địa ốc giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường thời điểm cận Tết được giới quan sát đánh là một động thái “quen mà lạ”. Quen bởi quý 4 hàng năm luôn là “mùa gặt” của thị trường BĐS, lạ bởi năm nay, nhiều chủ đầu tư phải lùi lịch triển khai dự án do ảnh hưởng chung từ thị trường.

Theo đó, một số doanh nghiệp BĐS giới thiệu sản phẩm ra thị trường thời điểm này gây sự chú ý.

Mới đây, Nam Long Group vẫn tổ chức buổi ra mắt khu biệt thự biệt lập Park Village (thuộc KĐT Waterpoint) với 96 căn mức giá từ 16.8 tỉ đồng/căn. Đáng nói, kết quả bán hàng của phân khu hạng sang này vẫn khá khả quan trong bối cảnh thị trường biến động.

Sắp tới, chủ đầu tư này dự kiến sẽ ra mắt phân khu Izumi Riverside thuộc khu đô thị Izumi City (tên thương mại của dự án Đồng Nai Waterfront) tại Đồng Nai. Theo doanh nghiệp này, khách hàng sở hữu sản phẩm vẫn sẽ được các ngân hàng chiến lược hỗ trợ cho vay.

Tại Bình Dương, Phú Đông Group cũng tổ chức buổi gặp gỡ các sàn giao dịch để chuẩn bị cho việc ra mắt dự án mới SkyOne. “Manh nha” từ mấy tháng trước, hiện dòng sản phẩm căn hộ của đơn vị này nhận được lượng tương tác khá ổn của người nhà có nhu cầu ở thực.

Tại khu Nam, dù bối cảnh thị trường khó đoán, một số dự án căn hộ vẫn mạnh dạn bung hàng. Công ty Phú Long hiện đang mở bán giai đoạn 2 dự án căn hộ thành phần Essensia Sky thuộcKĐT Dragon City. Hay, dòng căn hộ cao cấp ven sông Flora Panorama vẫn bung hàng cận Tết.

Trong khi một số doanh nghiệp “ngược sóng bung hàng” thì số khác lại lùi lịch để chờ tín hiệu tốt hơn từ thị trường. Một số doanh nghiệp như Vạn Phúc, An Gia, Đất Xanh, Thắng Lợi…tiếp tục thận trọng với các kế hoạch kinh doanh.

 Động thái “quen mà lạ” của doanh nghiệp địa ốc, nhằm giữ nhiệt cho thị trường cận Tết?  - Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp địa ốc vẫn "ngược sóng ra khơi" vào thời điểm cận Tết.

Chia sẻ về động thái bung hàng của doanh nghiệp địa ốc cận Tết, một chuyên gia trong ngành cho rằng, đây là động thái tiếp tục giữ nhiệt thị trường của doanh nghiệp. Động thái này “quen mà lạ”. Quen bởi quý 4 luôn là “mùa gặt” của thị trường bất động sản, lạ bởi năm nay, nhiều chủ đầu tư phải lùi lịch triển khai dự án do ảnh hưởng chung từ thị trường.

Thực tế, hiện nay khá ít doanh nghiệp có nguồn cung bung thị trường. Trong bối cảnh khó khăn, sự bổ sung nguồn cung đến từ các chủ đầu tư uy tín không chỉ củng cố niềm tin mà còn tạo đà cho thị trường BĐS trong giai đoạn tiếp theo.

Thị trường BĐS dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Ngân hàng chưa nới “van” tín dụng, lãi suất vẫn trong xu hướng tăng, tâm lý người mua nhà trong trạng thái chờ đợi… Vì vậy, thận trọng cũng là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp địa ốc khác khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh năm tới.

Có rất nhiều dự án không thể triển khai trong năm 2022 mà phải lùi kế hoạch sang năm 2023 do thiếu vốn. Điều này khiến nguồn cung nhà ở càng trở nên khan hiếm hơn, kéo theo giá nhà đất vẫn tiếp tục tăng, bất chấp thị trường ảm đạm.

Những ngày cuối cùng của năm 2022 đang dần trôi qua. Nhìn lại một năm có thể thấy, nhiều doanh nghiệp địa ốc “trở tay không kịp” khi các kênh huy động vốn quan trọng đồng thời bị chặn lại. Như chia sẻ của nhiều chuyên gia “đột ngột” là từ miêu tả chính xác trạng thái của thị trường BĐS năm 2022.

Năm 2023, nhiều người trong ngành dự báo thị trường có thể tiếp tục gặp khó khăn. Người mua vẫn trong tâm lý thận trọng. Tuy nhiên, thanh khoản có thể diễn biến khác nhau ở các phân khúc. Bởi lẽ, nhu cầu mua – đầu tư BĐS vẫn còn rất lớn trên thị trường. Giai đoạn này, theo hầu hết chuyên gia, mức độ khó khăn của thị trường nhẹ hơn và cơ hội hồi phục rõ nét hơn so với giai đoạn khủng hoảng 2011- 2013. Điều này cũng tạo hi vọng cho nhiều doanh nghiệp địa ốc tìm hướng đi mới trong hoạt động kinh doanh sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại