Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định số 1693/QĐ-UBND về phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy bia công suất 1.600 triệu lít/năm thuộc Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ.
Theo đó, Khu vực lập quy hoạch thuộc Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, thị xã Phú Mỹ có tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 393.551,4m2. Dự án gồm các chức năng chính như: Khu hành chính, dịch vụ; Khu nhà máy, kho tàng; Khu hạ tầng kỹ thuật; cây xanh; giao thông, sân bãi.
Theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 18, tổng vốn đầu tư cho dự án này là gần 12.600 tỷ đồng (tương đương 540,6 triệu USD), được lấy toàn bộ từ vốn góp bằng tiền từ nhà đầu tư, trong đó công ty đã góp đủ, hoàn tất tính đến năm 2022 là 7.033 tỷ đồng, còn lại sẽ hoàn tất góp trong 2024 - 2026.
Trên thực tế, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện là nơi đặt nhà máy bia lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á của tập đoàn này. Nhà máy Vũng Tàu đã đi vào hoạt động từ năm 2017 và nâng công suất lên hơn 36 lần trong vòng 5 năm sau đó.
Trước đó ngày 17/6, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc tạm ngừng hoạt động của Nhà máy bia Heineken Việt Nam - chi nhánh Quảng Nam.
Nhà máy bia tại Quảng Nam là nhà máy nhỏ nhất về quy mô trong số 6 nhà máy của Heineken, công suất đến năm 2022 là 110 triệu lít/năm. Nhà máy hoạt động tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) từ năm 2007 trên diện tích 7,6ha.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam, ở thời kỳ đỉnh cao này, Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Quảng Nam trung bình mỗi năm đóng góp ngân sách tỉnh khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 và Nghị định 100 về việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông khiến cho nhà máy tại đây rơi vào cảnh khó khăn.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Heineken đóng góp cho ngân sách Quảng Nam chỉ còn khoảng 20 tỷ đồng. Dự báo, việc tạm dừng nhà máy sẽ khiến tỉnh Quảng Nam mất nguồn thu gần 500 tỷ đồng mỗi năm.
Heineken Việt Nam là liên doanh giữa Heineken và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Nà máy đầu tiên được thành lập tại TP.HCM vào năm 1991. Đến này, doanh nghiệp này có 6 nhà máy và hơn 3.000 nhân viên trên khắp cả nước (tính cả nhà máy Quảng Nam).
Heineken cho biết đã đầu tư hơn 1 tỷ euro (tương đương hơn 27.300 tỷ đồng) tại Việt Nam, tạo ra gần 250.000 việc làm và đóng góp tương đương 1,04% GDP.
Mới đây, Heineken đã có văn bản góp ý và kiến nghị đối với dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (TTĐB).
Heineken góp ý, cần tách biểu thuế TTĐB hiện tại thành mức thuế cụ thể, tương ứng với nồng độ cồn khác nhau của bia, để đảm bảo thống nhất với các luật và quy định hiện hành.
Heineken cũng đề có kiến nghị về lộ trình tăng thuế. Theo đó, thuế suất đối với mặt hàng bia được giữ ổn định ở mức 65% trong vòng 3 năm; sau mỗi 3 năm thì tăng 1 lần và mỗi lần không quá 3 - 5%.