Sau khi tăng lên mức 1.834 USD/ounce, giá vàng thế giới đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 1.811 USD/ounce, tăng 4 USD/ounce so với tuần trước.
Tương tự, giá vàng miếng SJC trong nước tuần qua cũng đã có tín hiệu tích cực ở những phiên đầu tuần khi tăng từ mức 57,20 triệu đồng/lượng lên mức 57,65 triệu đồng/lượng và sau đó chốt phiên cuối tuần ở mức 57,52 triệu đồng.
So với tuần trước thì giá vàng SJC bán ra tuần qua không có gì thay đổi, trong khi đó, ở chiều mua vào lại điều chỉnh tăng khoảng 100.000 đồng/lượng. Giao dịch thị trường vàng trong nước vẫn trầm lắng.
Giá vàng thế giới quy đổi đã tính thuế, phí gia công đang ở mức hơn 51,05 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giá vàng SJC trong nước và vàng thế giới đang ở mức gần 6,5 triệu đồng/lượng.
Lý giải về việc giá vàng thế giới tuần qua tăng mạnh mẽ lên mức 1.834USD/ounce là do ngày 14/7 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Powell đã có phiên điều trần bán niên trước Quốc hội Mỹ về chính sách tiền tệ và thông tin của Chủ tịch Fed cho biết lạm phát của Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, đến khi kinh tế Mỹ trở lại điều kiện bình thường thì lạm phát sẽ giảm.
Thông tin này của Chủ tịch Fed đã giúp giá vàng bật tăng mạnh trỏ lại cho đến phiên giao dịch cuối tuần, do áp lực chốt lời của nhà đầu tư cũng như sức ép từ đồng USD tăng giá khiến vàng chùn bước, giảm về mốc 1811 USD/ounce.
Sau 4 tuần tăng liên tiếp vừa qua, liệu tuần này, giá vàng có tiếp đà tăng nối tiếp nữa hay chịu sức ép giảm giá trước nhiều thông tin bất lợi?
Để trả lời câu hỏi này, Kitco đã thực hiện khảo sát về dự báo giá vàng tuần này. Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy, có hơn 67% trong số người được hỏi tin rằng giá vàng tuần này sẽ tiếp tục tăng, chỉ có 17% cho rằng giá vàng sẽ giảm.
Giới chuyên gia tài chính phân tích, mặc dù giá vàng chưa thể tăng liên tục trong ngắn hạn tuy nhiên, về dài hạn, lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng mạnh, trong khi Fed chưa sớm siết chặt tiền tệ, sẽ làm cho vàng trở nên hấp dẫn hơn dưới con mắt của các nhà đầu tư.
Trong bối cảnh nhu cầu vàng vật chất vẫn chưa tăng mạnh trở lại, trong khi nhu cầu đầu tư chưa thực sự bền vững, giới chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên tranh thủ nhịp điều chỉnh của giá vàng trong ngắn hạn để mua vào cho mục đích đầu tư dài hạn.
“Về dài hạn, ngưỡng hướng đến của giá vàng sẽ là mức 1.900 USD/ounce, thậm chí có thể đạt mức 2000 USD/ounce. Vì sao? Dịch Covid-19 ngày càng sinh ra nhiều biến thể mới, trong khi vắc xin chưa phủ rộng, tỷ lệ phòng ngừa của vắc xin lại đảm bảo ngừa được 100%, như Delta chẳng hạn…
Do đó, đại dịch này có thể sẽ còn kéo dài và các ngân hàng trung ương, nếu có kế hoạch thắt chặt tiền tệ, cũng sẽ rất thận trọng. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho đà tăng giá vàng trong bối cảnh lạm phát đang tăng mạnh”, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính chia sẻ.
Ngoài yếu tố lạm phát, dịch bệnh kéo dài thì những yếu tố như nhu cầu vàng vật chất tăng trở lại khi kinh tế thế giới phục hồi, các ngân hàng trung ương mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, đặc biệt là các ngân hàng ở châu Âu đang tăng cường mua vàng theo quy định mới của Basel III… là những đòn bẩy hỗ trợ cho vàng tăng giá trong dài hạn.
Trước mắt, theo giới chuyên gia nhận định, giá vàng tuần này nhiều khả năng sẽ ít có biến động mạnh, mà sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy trong biên độ hẹp.
Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng giá vàng sẽ giảm trong thời gian tới, có thể giảm mạnh xuống mức 1.750 USD/ounce.
Lý do là nếu đồng USD giảm thì sẽ là yếu tố đẩy giá vàng lên cao, nhưng nếu đồng USD tăng giá thì thị trường vàng sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo khiến giá vàng sụt giảm nghiêm trọng, đến mức dưới 1.600 USD/ounce.