Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS). Ảnh: The Defense Post
Nỗ lực của Lầu Năm Góc là minh chứng gần đây nhất cho thấy Mỹ và đồng minh đang hỗ trợ Ukraine xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không toàn diện nhằm tự vệ trước các cuộc tấn công bằng UAV.
UAV ngày càng trở thành vấn đề đau đầu với Ukraine. Trong khi đó, một người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục áp tất cả biện pháp trừng phạt mạnh mẽ lên Nga và Iran trong lĩnh vực trao đổi vũ khí nhằm khiến Iran gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bán vũ khí cho Nga và chúng tôi sẽ sát cánh cùng các đối tác trong khu vực để đối phó với mối đe dọa từ Iran. Chúng tôi đang làm việc với các đồng minh và đối tác, trong đó có Liên hợp Quốc, để giải quyết việc phổ biến các vũ khí nguy hiểm của Iran cho Nga. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường sự hỗ trợ an ninh chưa từng có cho Ukraine và hợp tác với các đồng minh để chuyển giao các hệ thống phòng không cho Kiev".
Các nhà phân tích phương Tây cho rằng, với việc kho dự trữ đạn chính xác đang ở mức thấp, Moscow phải dựa vào UAV cảm tử lưu động để duy trì khả năng tấn công các mục tiêu giá trị cao và nhắm vào các thành phố của Ukraine từ xa.
Không giống như các UAV quân sự truyền thông vốn lớn hơn và nhanh hơn có thể quay về căn cứ sau khi thả lên lửa, các UAV do Iran cung cấp được thiết kế để tấn công vào mục tiêu và phát nổ, kích hoạt đầu đạn của nó và phá hủy UAV trong quá trình này. Chúng nhỏ hơn và dễ kiểm soát hơn so với các tên lửa hành trình.
Mỹ không biết chính xác Iran đã cung cấp bao nhiêu UAV cho Nga nhưng các nhà phân tích quân sự nhận định đây là con số rất đáng kể. Một quan chức quốc phòng Mỹ ước tính con số này khoảng vài trăm UAV.
Một quan chức khác nhận định với CNN rằng Lầu Năm Góc đang cố gắng thúc đẩy quá trình cung cấp 2 Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) cho Ukraine - hệ thống vũ khí hiện được 12 quốc gia sở hữu và được sử dụng để bảo vệ thủ đô Washington. Mỹ đã cam kết cung cấp 8 hệ thống NASAMS cho Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 17/10 rằng các máy bay chiến đấu và tàu chiến Nga vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc không kích tầm xa nhằm vào "các trung tâm chỉ huy quân sự và hệ thống năng lượng của Ukraine".
"Tất cả mục tiêu trong kế hoạch đều bị nhắm trúng", Bộ Quốc phòng Nga cho hay trong một thông báo.
Nga đã tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vào tháng này sau khi Moscow cáo buộc Kiev đứng sau vụ phá hoại cầu Crimea nối Bán đảo này với lục địa Nga./.