Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ công bố thêm các biện pháp hỗ trợ và kích thích kinh tế trong thời gian tới nhằm giảm thiểu rủi ro kinh tế suy thoái mạnh hơn, trong bối cảnh chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì sức ép thương mại lớn.
Nikkei Asian Review cho hay, số liệu của hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/9 vừa qua cho thấy quy mô xuất khẩu tháng 8 của nước này giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức hạ lớn nhất kể từ tháng 6 khi xuất khẩu giảm 1.3%. Trước đó, theo khảo sát trên Reuters, giới phân tích trông đợi mức tăng trưởng xuất khẩu 2%, sau khi Trung Quốc đạt tăng trưởng xuất khẩu 3.3% trong tháng 7.
Sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc đi ngược nhận định rằng cuộc chiến thuế quan leo thang với Mỹ sẽ thúc đẩy các nhà xuất khẩu Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ các lô hàng vận chuyển sang Mỹ trong tháng 8.
Khoảng 110 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ - gồm hàng may mặc, giày dép,... - đã bị áp thuế 15% từ ngày 1/9. Mức thuế này sẽ bị áp lên các sản phẩm như điện thoại , máy tính,... từ ngày 1/10. Sau ngày 15-12, 550 tỉ USD giá trị hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ chịu thuế suất 15-30%.
Báo cáo ngày 8/9 cũng thể hiện nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm tháng thứ tư liên tiếp, kể từ tháng 4. Nhập khẩu tháng 8 giảm 5.6% so với cùng kỳ năm ngoái - khá hơn so với mức giảm dự kiến 6%, và giữ ổn định so với mức 5.6% của tháng 7.
Theo Nikkei, nhu cầu trong nước tăng trưởng chậm là nhân tố chính dẫn đến suy giảm xuất nhập khẩu, cùng với đó là việc giảm giá hàng hóa toàn cầu. Tiêu thụ và đầu tư trong nước ở Trung Quốc vẫn ở mức yếu, bất chấp các nỗ lực kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng của chính phủ.
Trung Quốc thông báo có thặng dư thương mại 34.84 tỉ USD vào tháng 8, so với 45.06 tỉ USD vào tháng 7. Trước đó, thặng dư được dự báo cho tháng 8 là 43 tỉ USD.
Tháng 8 là thời gian chứng kiến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh mẽ. Sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế quan mới, Bắc Kinh cũng trả đũa với bằng cách áp thuế 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/9 và 15/12, đồng thời làm giảm giá trị đồng nhân dân tệ nhằm giải tỏa sức ép thuế quan.
Trong bài xã luận ngày 9/9, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) thừa nhận số liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy sự suy yếu, song nền kinh tế nước này trên thực tế có sức bền tốt và chiến tranh thương mại không thể ngăn cản Trung Quốc tăng trưởng.
Theo Hoàn Cầu, tính theo đồng nội tệ, xuất khẩu tháng 8 tăng 2.6% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 2.6%, tuy nhiên đồng nhân dân tệ mất giá so với USD đã khiến số liệu "xấu hơn một chút", tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 3.2% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường nội địa Trung Quốc, đồng tệ giảm 0.25% xuống 7.1331 NDT đổi 1 USD vào lúc 14g01 ngày 9/9 (giờ Việt Nam). Ở các thị trường nước ngoài, đồng tệ lùi 0.32% xuống 7.1305 NDT/USD.
Nhóm đàm phán thương mại Mỹ-Trung hôm thứ Năm tuần trước (5/9) đã nhất trí tổ chức vòng đàm phán cấp cao tiếp theo vào đầu tháng 10 tới tại Washington. Dù vậy, không có tín hiệu nào về việc Mỹ có kế hoạch dỡ hoặc giảm nhẹ thuế quan áp lên hàng Trung Quốc, trong khi kỳ vọng của thị trường về hiệp định đình chiến thương mại giữa hai nước đang trở nên xa vời.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng ông Larry Kudlow ngày 6/9 nói Mỹ muốn đạt được những kết quả "ngắn hạn" từ đàm phán thương mại trong tháng 9 và tháng 10, nhưng cảnh báo rằng cọ xát thương mại có thể mất nhiều năm để giải quyết.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc so với Mỹ trong tháng 8 là 26.95 tỉ USD - theo Nikkei, thu hẹp nhẹ so với 27.97 tỉ USD trong tháng 7. Thặng dư 8 tháng đầu năm 2019 lên tới 195.45 tỉ USD là minh chứng tình trạng mất cân bằng thương mại vẫn tiếp diễn - bất mãn chủ yếu mà chính quyền Trump nêu ra và yêu cầu điều chỉnh trong đàm phán với Bắc Kinh.