Lâu nay cuộc chiến giữa hai nền bóng đá Thái Lan và Việt Nam nóng lên từ fan hâm mộ của hai nước đến cầu thủ hai đội. Cách đây ba ngày, một tuyển thủ Thái Lan nói: “Tại sao đội tuyển Việt Nam chỉ chăm chăm đánh bại Thái Lan mà thôi trong khi bảng đấu này đội nào cũng mạnh?”.
Cách đây năm ngày, phía Malaysia thông qua đường ngoại giao (chứ không phải LĐBĐ) đã chính thức đề nghị Indonesia phải đảm bảo an ninh thật tốt cho tuyển Malaysia sang làm khách ngày 5-9.
Trong suốt quá trình tuyển Malaysia có mặt và rời Jakarta, phía Indonesia phải đảm bảo không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Chuyện hai nước láng giềng này có hiềm khích trong thể thao đã xảy ra từ lâu và các cuộc chạm trán trong thể thao ở cấp độ đội tuyển luôn nóng bỏng. Thậm chí là kéo theo sự manh động. Gần đây phía Indonesia còn nhắc lại chuyện “nhầm quốc kỳ” của Indonesia mà chủ nhà SEA Games 2017 Malaysia để xảy ra khiến phía Indonesia nổi giận.
Malaysia và Indonesia đã làm các thủ tục để đảm bảo hai đội tuyển an toàn khi sang thi đấu lẫn nhau ở bảng G này.
Trong khi đó, báo chí Thái Lan ra ngày 27-8 cho biết đội tuyển Thái Lan sẽ có một “nhóm do thám” sang sân Bung Karno để xem giò xem cẳng trận Indonesia tiếp Malaysia cũng ngày 5-9.
Malaysia cho rằng tuyển Thái Lan đang rất muốn đánh bại Malaysia vì chính Malaysia đã loại Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2018. Indonesia cũng nuôi mục tiêu đánh bại Thái Lan ở lượt trận thứ hai bảng G khi Thái Lan sang Indonesia đá.
Tuyển Thái Lan và Indonesia từng căng thẳng cực độ ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2016 khi Indonesia do HLV A. Riedl dẫn dắt. Đó là tình huống cuối trận một tuyển thủ Indonesia đã sút mạnh quả bóng vào khu vực kỹ thuật của tuyển Thái Lan để phản ứng các quan chức Thái Lan câu giờ, không ném trả bóng vào sân…
Các cặp đấu Thái Lan-Việt Nam, Việt Nam-Malaysia, Malaysia-Thái Lan, Malaysia-Indonesia, Indonesia-Thái Lan đều có “duyên nợ” với nhau cả. Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến bảng G với mỗi trận đấu đều là trận chung kết nóng rực chứ không chỉ có trận Thái Lan-Việt Nam.