Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn đều tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Người dân xếp hàng chờ vào Bách Hoá Xanh phường Trảng Dài, TP Biên Hòa sáng 15/7. (Ảnh: Nha Mẫn)
Theo ghi nhận của PV báo Dân Việt sáng 15/7, nhiều người dân ở TP Biên Hòa than thở vì không tìm được chỗ bán rau xanh và nhu yếu phẩm hàng ngày nên phải vào siêu thị xếp hàng chờ lâu mới đến lượt...
Các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị như Vinmart, Vinmart+, Big C, Coopmart, MM Mega Market… giá cả tăng nhẹ từ 2% - 5% và nhu cầu người mua tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Nhiều người than thở mua rau gặp khó khăn vì ít điểm bán (Ảnh: Nha Mẫn)
Đặc biệt hiện nay xảy ra tình trạng nhiều người đang ở vùng cách ly, phong toả và xa các siêu thị lớn như Big C, Coopmart nên vẫn phải xếp hàng chờ đến lượt mua hàng tại các chuỗi cửa hàng nhỏ dẫn đến quá tải.
Chị Nguyễn Thị Linh đang xếp hàng chờ đến lượt vào mua hàng ở Bách Hoá Xanh, phường Trảng Dài, TP.Biên Hoà chia sẻ: "Tôi thấy các siêu thị đông người nên cũng sợ không an toàn nhưng phải chịu vì ko mua đồ ăn thì cả nhà không có gì để ăn.
Hiện tại cả phường tôi đều đóng hết chợ nên không đến siêu thị thì không biết mua hàng ở đâu. Lên đặt online thì chờ quá lâu vẫn chưa mua được, đôi khi mua được 3-4 ngày vẫn không thấy ai giao hàng. Hy vọng nếu phong toả được cung ứng đầy đủ hàng hoá để người dân an tâm chống dịch".
Các mặt hàng rau củ quả đều bị tăng giá (Ảnh: Nha Mẫn)
Còn chị Nguyễn Thị Lan, người dân phường Tân Phong, TP. Biên Hoà cho biết từ 7h sáng chị đã phải chờ sẵn ở Big C để siêu thị mở cửa có thể vào mua hàng ngay.
"Người đông nghẹt nên hàng hết lại đầy rồi đầy kệ xong lại hết nên người mua như chúng tôi cũng sợ. Ai cũng có tâm lý sợ cách ly phong toả nên tự mua đồ trữ cho gia đình, tránh ra đường nhiều. Sống hàng chục năm tôi chưa khi nào thấy việc mua hàng lại khó khăn như hiện nay, thật sự mệt mỏi...", chị Lan nói.
Một số người cũng chọn lên App của các siêu thị để đặt hàng nhưng do người đặt quá đông, nhân viên giao hàng rất ít nên dẫn đến việc đặt hàng 3-4 ngày vẫn chưa nhận được hàng.
Đáng nói, do chợ bị đóng cửa, mất nguồn thu nhập nên một số tiểu thương bất chấp lệnh cấm đã đưa hàng hoá ra đường bán lén lút. Nhiều người mở hé cửa ki ốt để buôn bán và khi thấy có lực lượng chức năng đi kiểm tra thì vội vàng đóng cửa. Do nhận định được tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đa số các quầy hàng bán lén đều tăng giá gần gấp đôi...
Một chợ truyền thống ở TP Biên Hòa đóng cửa để phòng chống dịch Covid- 19. (Ảnh: Nha Mẫn)
Trước những than thở của người tiêu dùng về việc khó khăn trong quá trình mua nhu yếu phẩm, ông Trần Đình Quyền, Giám đốc MM Mega Market Biên Hòa cho hay, siêu thị đã chủ động kế hoạch về chuẩn bị nguồn hàng liên kết với các kho trung chuyển hàng hóa lớn trong hệ thống MM Mega Market.
Mỗi ngày, siêu thị nhập về khoảng 9 tấn rau củ quả các loại, cao điểm có thể lên tới 13 tấn. Nguồn thực phẩm như thịt, cá hiện khá dồi dào; trứng gia cầm siêu thị nhập về từ 12-15 ngàn quả/ngày do đó vẫn đủ cung ứng cho người tiêu dùng.
Lập nhiều quầy hàng thay thế chợ truyền thống
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Phó giám đốc Sở Công Thương ông Lê Văn Lộc cho biết Sở đã nắm thông tin về tình hình mua bán trên địa bàn. Hiện các chợ đầu mối lớn như Tân Biên, Dầu Giây và đa số các chợ truyền thống đều đóng cửa phần nào gây khó khăn cho người dân trong việc mua bán hàng hoá.
Do đó, Sở và UBND TP.Biên Hòa, Đồng Nai đã tiến hành khảo sát các địa điểm để dự kiến mở một số điểm bán rau củ quả, thực phẩm nhằm thay thế tạm thời cho các chợ truyền thống đang tạm đóng cửa cũng như góp phần giảm tải cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, hạn chế tập trung đông người tại các khu vực mua sắm.
Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn hỗ trợ các siêu thị trong việc tiếp nhận hàng và giao các đơn hàng trên địa bàn TP. Biên Hòa do các tổ chức, cá nhân đặt online.
Sở phối hợp với Sở NN-PTNT, kết nối với doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong tỉnh có phương án chuẩn bị nguồn cung nông sản, nhất là các mặt hàng thịt, trứng, cá, rau… đáp ứng nhu cầu của người dân.