Đồng minh Mỹ ủng hộ chiến lược của Nga

Thiên Ân |

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẵn sàng tăng quân ở Syria tùy yêu cầu thực tế.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có lời khen ngợi Nga và cho biết sẵn sàng đưa thêm quân sang Syria, hợp tác với Nga chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài sáu năm qua, hãng tin Bloomberg ngày 21-9 cho biết.

Ủng hộ chiến lược của Nga

“Binh sĩ chúng tôi đã chuẩn bị thực hiện chiến dịch bất kỳ lúc nào” - ông Erdogan nói tại Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Bloomberg tổ chức ở New York (Mỹ) ngày 20-9. Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran đã thống nhất về một vùng giảm căng thẳng ở tỉnh Idlib (Bắc Syria) trong sáu tháng, trong thời gian diễn ra hòa đàm Syria ở Astana (Kazakhstan). Vòng hòa đàm tới ở Astana sẽ diễn ra vào cuối tháng 10.

Từ tháng 8-2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai quân đội sang miền Bắc Syria đánh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và lực lượng tay súng người Kurd. Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở rộng hoặc thu hẹp quy mô lực lượng này tùy vào tình hình thực tế và yêu cầu từ Nga, theo Bloomberg.

Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đã thu được kết quả tốt trong hợp tác với Nga ở Syria. Trong khi trước đó, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính quyền Ankara cũng đã bàn bạc rất nhiều về vấn đề này với phía Washington “nhưng không thể đạt được kết quả nào”.

Ông Erdogan cũng có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-9 bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York. Tuy nhiên, tại Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Bloomberg, ông Erdogan lại có vẻ hào hứng hơn về cuộc hẹn ăn tối của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần tới và cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ bàn bạc thêm về vấn đề Syria.

Đồng minh Mỹ ủng hộ chiến lược của Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Bloomberg ở New York (Mỹ) ngày 20-9. Ảnh: REUTERS

Chê Mỹ ngay trên đất Mỹ

Trong khi bày tỏ tin tưởng Nga, ông Erdogan cũng bày tỏ những nghi ngờ với việc Mỹ chọn ủng hộ lực lượng tay súng người Kurd ở Syria (YPG). Tổ chức này vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, bị chính quyền Ankara xem là tổ chức khủng bố.

“Tôi không hiểu tại sao một quốc gia tin vào dân chủ có thể hợp tác với một tổ chức khủng bố, lấy cớ là để tiêu diệt một tổ chức khủng bố khác?” - ông Erdogan phát biểu trước Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Bloomberg tổ chức ngay tại New York.

Mỹ dẫn đầu liên quân đánh IS ở Syria và Iraq từ năm 2014 và YPG là một trong những đối tác của Mỹ trong cuộc chiến này.

Theo ông Erdogan, YPG đã nhận khoảng 3.000 xe chở vũ khí, thiết bị quân sự từ Mỹ, trong đó có xe tăng, xe bọc thép, đạn dược. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đặt câu hỏi: “Ai có thể đảm bảo các vũ khí hạng nặng có mặt ở Bắc Syria sẽ không chống lại chúng tôi trong tương lai?”.

Thổ Nhĩ Kỳ từng có cùng lập trường với Mỹ, chọn ủng hộ lực lượng phe nổi dậy trong cuộc nội chiến Syria. Tuy nhiên, trước tình hình thực tế phe chính phủ Syria ngày càng thắng thế nhờ sự hỗ trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng ngả sang hợp tác với Nga và Iran, hãng Bloomberg bình luận.

Thái độ ngả sang Nga, cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 của Nga dù là một thành viên NATO khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối quân sự này. Tuy nhiên, ông Erdogan biện bạch sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến Nga vì các nước NATO từ chối bán vũ khí cho nước này.

Ông Erdogan cũng nhắc đến sự bất mãn của Thổ Nhĩ Kỳ về nhiều vấn đề trong quan hệ với phương Tây. Chẳng hạn, quá trình đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu đã kéo dài lê thê hàng thập niên qua. Khi được hỏi tại sao Thổ Nhĩ Kỳ không rút đề nghị, ông Erdogan nói không loại trừ khả năng này nhưng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đơn phương rời bỏ đàm phán.

Ông Erdogan cũng cáo buộc các đồng minh phương Tây đã và đang chơi trò hai mặt. Ông chỉ trích việc giáo sĩ Fethullah Gulen - nhân vật bị Ankara quy kết khởi xướng cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ giữa năm 2016 - vẫn sống nhởn nhơ ở Mỹ bất chấp yêu cầu dẫn độ của nước đồng minh. Trong khi đó Đức vẫn không đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ phải có hành động pháp lý với bộ phận người Kurd ở Đức

Ông Erdogan cũng cáo buộc các đồng minh phương Tây đã và đang chơi trò hai mặt. Ông chỉ trích việc giáo sĩ Fethullah Gulen - nhân vật bị Ankara quy kết khởi xướng cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ giữa năm 2016 - vẫn sống nhởn nhơ ở Mỹ bất chấp yêu cầu dẫn độ của nước đồng minh. Trong khi đó Đức vẫn không đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ phải có hành động pháp lý với bộ phận người Kurd ở Đức.

Chúng tôi sẽ tự xoay xở nếu chúng tôi không thể có được vũ khí mình muốn từ các nước NATO.

RECEP TAYYIP ERDOGAN, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, chia sẻ về quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại