Chị Phan Thị M. (Thanh Xuân, Hà Nội) hiện đang làm nhân viên văn phòng tại một công ty IT. Năm 2019, chị M. mua gói bảo hiểm nhân thọ với niềm tin đây vừa là khoản dự phòng vừa là khoản tích lũy. Sau một lần nằm viện và thực hiện thủ tục thanh toán phí, chị M. quyết định đóng hợp đồng, chấp nhận mất hơn 100 triệu đồng sau 5 năm nộp.
Dưới đây là chia sẻ của chị Phan Thị M.
“Năm 2019, tôi quyết định nghiên cứu tìm hiểu về việc mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Đây là thời điểm mà bảo hiểm nhân thọ “bùng nổ” rất mạnh khi trung bình cứ 10 người quanh bạn có tới 2 người trở thành “nhân viên bán bảo hiểm”.
Thông qua một người bạn, tôi lựa chọn mua gói bảo hiểm nhân thọ kèm quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho chính mình.
Theo như tư vấn, tôi hiểu quyền lợi bảo hiểm mà tôi nhận được từ hợp đồng này đó là:
Thứ nhất, sau 10 năm đóng bảo hiểm, số tiền mà tôi nhận được cao hơn so với số tiền mà tôi bỏ ra. Tức là đó như một khoản đầu tư có lợi nhuận cao.
Thứ hai, khoản bảo hiểm này được quảng cáo vừa có giá trị sinh lời cao vừa có giá trị về mặt bảo hiểm. Tức, nếu tôi mắc bệnh nan y như ung thư sẽ được hưởng khoản tiền rất lớn đền bù. Và tất nhiên, bảo hiểm nêu rõ nếu tử vong thì người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm sẽ cũng nhận được khoản tiền chi trả lớn.
Thứ ba, trường hợp nếu tôi nằm viện, bảo hiểm sẽ chi trả các khoản như tiền viện phí, tiền thuốc, tiền phòng, tiền phẫu thuật và nhiều chi phí khác.
Với tư vấn như vậy, tôi mặc định hiểu rằng, giá trị mà tôi nhận được rất lớn so với số tiền bỏ ra khoảng 20 triệu đồng mỗi năm.
Thế nhưng, thực tế không phải vậy. Đến năm 2023, sau một lần nằm viện và thực hiện thanh toán bảo hiểm tôi mới nhận ra quá nhiều bất cập.
Đầu tiên, bảo hiểm không chi trả một số bệnh liên quan đến tiền sử ốm đau của tôi trước đây. Bảo hiểm loại trừ toàn bộ những bệnh này. Ví dụ giả sử nếu tôi từng khám bị xoang và kê khai thì nếu mổ xoang, tôi sẽ không được chi trả một số hạng mục. Ngoài ra, bảo hiểm cũng loại trừ rất nhiều bệnh khác nhau khi thanh toán như bệnh liên quan đặc thù phụ nữ, hay tiêu hóa… Trong khi thực tế, đây là những bệnh mà nhiều người hay mắc phải.
Thứ hai, phí bảo hiểm thực tế mỗi năm sẽ tăng thêm do độ tuổi của khách hàng tăng. Ví dụ nếu tôi ở tuổi 30 tuổi, mức phí sẽ khác so với khi ở tuổi 35. Lý do mà bảo hiểm đưa ra, đó là càng nhiều tuổi, khách hàng càng có nhiều rủi ro liên quan đến bệnh. Thế nên, phí bảo hiểm buộc phải tăng.
Thứ ba, khi nhận thấy phí bảo hiểm tăng, kiểm tra trên hợp đồng và dòng tiền đóng trên app, tôi mới nhận ra. Hơn 20 triệu đồng tiền bảo hiểm đóng mỗi năm thì có tới 8 triệu đồng “phí trôi”. Phí này bao gồm phí thẻ chăm sóc sức khỏe, phí quản lý tài khoản và một số phí khác. Đây là điều mà hầu như tư vấn viên sẽ không nói với bạn.
Thứ tư, trường hợp tôi mắc bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm sẽ không chi trả bồi thường một cục tiền lớn bởi đây là gói bảo hiểm nhân thọ không bao gồm phần “bảo hiểm bệnh hiểm nghèo như ung thư”. Trường hợp nếu nằm viện điều trị do bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm cũng không chi trả. Tức nếu tôi điều trị bệnh về ung thư, bảo hiểm không chi trả một đồng. Chỉ có khi tôi tử vong thì người thân mới có thể nhận được khoản tiền có thể lên tới 1 tỷ đồng như tư vấn viên nói.
Theo tư vấn viên, muốn hưởng 2 quyền lợi đó liên quan về bệnh hiểm nghèo, người mua phải bỏ ra chi phí rất cao để mua thêm quyền lợi này.
5 năm đóng bảo hiểm chưa từng sử dụng bất kỳ quyền lợi nào. Cho đến khi nằm viện và thực hiện thanh toán, tôi mới nhận thấy, khoảng cách từ lời giới thiệu của tư vấn viên đến thực tế khác xa quá nhiều. Người mua bảo hiểm đang chịu nhiều loại phí, nhưng để được hưởng quyền lợi chắc phải… tử vong. Thế nên, câu quảng cáo mà người bán bảo hiểm nói rằng: “Mỗi ngày bỏ ra bát phở, quyền lợi hưởng tới 1, 2 tỷ” thực sự chỉ là chiêu trò.
Chính vì vậy, tôi đã quyết định đóng hợp đồng và chấp nhận thu về khoản tiền quá ít ỏi so với số tiền hơn 100 triệu đồng đã đóng".