Ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, nước Mỹ có thể mất những gì?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Xét về mặt pháp lý, quyết định này vi phạm tất cả các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.

Ngày 6/12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này. Quyết định này đang gây phẫn nộ chưa từng có không chỉ ở Palestine, các nước Ả rập và thế giới Hồi giáo mà còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, kể cả những nước đồng minh thân cận của Mỹ.

Vì sao quyết định của Tổng thống Donald Trump bị phản đối mạnh mẽ?

Xét về mặt pháp lý, quyết định này vi phạm tất cả các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, kể từ ngay nghị quyết đầu tiên 181 ngày 29/11/1947 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phân chia đôi vùng đất Palestine thành hai quốc gia, một cho người Do Thái, một cho người Palestine, thành phố Jerusalem do có những đặc điểm riêng về tôn giáo, là thánh địa của ba tôn giáo lớn: Hồi giáo, Do Thái giáo và Thiên chúa giáo được đặt dưới sự quản lý của quốc tế.

Ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, nước Mỹ có thể mất những gì? - Ảnh 1.

Việc Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Palestine, các nước Ả rập và thế giới Hồi giáo. Ảnh: Reuters

Quyết định này cũng vi phạm nghị quyết 242 (1967), nghị quyết 338 (1973) của Hội đồng Bảo an, các nghị quyết của Liên đoàn Ả rập AL, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ICO và Toà án Tư pháp quốc tế IJC.

Thỏa thuận Oslo ký giữa Israel và Palestine năm 1993 cũng quy định sẽ đàm phán về quy chế cuối cùng của Nhà nước Palestine và thành phố Jerusalem. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế luôn luôn ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump còn đánh vào tình cảm thiêng liêng của người Hồi giáo, bởi vì Jerusalem là thánh địa lớn thứ ba của họ sau Mecca và Medina ở Ả rập Xê út. Đối với người Palestine và người Ả rập, Jerusalem là trái tim của họ. Hàng tỷ tín đồ Hồi giáo và Thiên chúa giáo trên khắp thế giới luôn luôn hướng về đây cầu nguyện

Chính vì không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nên tất cả các nước hiện nay vẫn đặt Đại sứ quán của mình tại thành phố Tel Aviv.

Năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel nhưng các đời Tổng thống Mỹ trước Donald Trump đều rất thận trọng trong việc thực hiện. Quyết định này lúc đó thông qua được là do ảnh hưởng của người Do Thái trong chính quyền và Quốc hội Mỹ rất mạnh.

Các Tổng thống Mỹ không thực hiện do lo ngại phản ứng của các nước Ả rập, thế giới Hồi giáo và cộng đồng quốc tế. Lúc đó Mỹ đang là người bảo trợ cho các cuộc đàm phán Israel-Palestine theo Thỏa thuận Oslo về quy chế cuối cùng của Nhà nước Palestine nhằm giải quyết dứt điểm cuộc xung đột giữa hai phía và Mỹ muốn chờ đợi kết quả đàm phán giữa Israel và Palestine về quy chế cuối cùng của Jerusalem.

Động cơ nào thúc đẩy ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel?

Ông Donald Trump là một người đã hứa là làm. Với việc tuyên bố công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, ông Donald Trump đã hoàn thành một lời hứa trong cuộc vận động tranh cử rằng ông sẽ dời đại sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem.

Ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, nước Mỹ có thể mất những gì? - Ảnh 2.

Nhiều hành động phản đối đã xảy ra tại Trung Đông. Ảnh: AP

Ông Donald Trump theo đuổi lập trường ủng hộ mạnh mẽ Israel khi còn là ứng cử viên là để tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri Mỹ gốc Do Thái, trong đó có trùm sòng bạc Sheldon Adelson, người đã quyên góp 25 triệu đô la cho một ủy ban vận động bỏ phiếu ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử. Quyết định này cũng nằm trong tính cách của ông Donald Trump là không thừa kế các chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama.

Tổng thống Donald Trump đang bị sức ép hết sức to lớn sau khi cựu cố vấn Michael Flynn thừa nhận đã nói dối Cục Điều tra Liên bang FBI về các cuộc gặp với Đại sứ Nga tại Mỹ vài tuần trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống.

Ông M. Flynn đã sẵn sàng làm chứng về việc Tổng thống Trump trước khi nhậm chức đã chỉ đạo ông liên hệ với phía Nga. Điều này có thể đẩy ông vào tình huống hết sức khó khăn bởi trước đó ông đã phủ nhận mọi liên hệ của ông với Moscow trong chiến dịch tranh cử.

Bằng việc đưa ra quyết định gây sốc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel cũng là nằm trong cố gắng nhằm giảm bớt sự tập trung chú ý vào vụ việc này, đồng thời tranh thủ các nghị sỹ gốc Do Thái có ảnh hưởng lớn trong Quốc hội nhằm đối phó với các đối thủ đang đòi hỏi phế truất ông.

Trong chuyến thăm Trung Đông tháng 5/2017, ông Donald Trump đã gặp gỡ và tranh thủ được cảm tình của hơn 50 nhà lãnh đạo cấp cao của các Ả rập và Hồi giáo. Trong tình hình như vậy, ông Donald Trump tin rằng quyết định của ông ít nhất cũng sẽ nhận được thông cảm của thế giới Ả rập và Hồi giáo.

Mặt khác, nội bộ chính quyền Mỹ đang có nhiều bất đồng, quan hệ giữa Tổng thống Donad Trump với Quốc hội không được suôn sẻ, uy tín của ông bị giảm sút mạnh chỉ còn ở mức 33%, có lúc Quốc hội đã đòi luận tội và phế truất ông, việc ông đưa ra một quyết định quan trọng như thế này là có ý nhằm khẳng định uy quyền của mình.

Hệ lụy quyết định của Donald Trump

Quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đang gieo thêm mâu thuẫn, thù địch giữa Mỹ với các nước Ả rập và Hồi giáo, giữa người Palestine và người Do Thái. Tình hình sắp tới sẽ hết sức phức tạp. Liên đoàn Ả rập AL, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ICO đề nghị họp khẩn cấp để bàn các biện pháp đối phó với quyết định này, Hội đồng Bảo an cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về việc này.

Không loại trừ khả năng các tổ chức khủng bố sẽ lợi dụng quyết định của Tổng thống Trump để tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ ở các nơi trên thế giới. Đại sứ quán Mỹ tại nhiều nước, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông đang thắt chặt các biện pháp an ninh, đồng thời cảnh báo công dân của mình đề phòng các nguy cơ khủng bố.

Đây là tuyên bố đơn phương của Mỹ, hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Việc thực hiện quyết định này không dễ dàng chút nào. Chính Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem phải cần đến vài năm. Trong vài năm ấy tình hình sẽ còn thay đổi nhiều không ai có thể lường trước được.

Ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, nước Mỹ có thể mất những gì? - Ảnh 3.

Hơn nữa, một chính sách lớn như thế này rất cần có ý kiến của Quốc hội Mỹ và sự đồng thuận trong chính quyền và xã hội Mỹ. Tình hình này một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải nối lại các cuộc đàm phán Israel-Palestine nhằm tìm ra giải pháp lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump là một quyết định lợi bất cập hại, đẩy Mỹ vào tình thế đối đầu với thế giới Ả rập và Hồi giáo, với cả cộng đồng quốc tế. Đưa ra quyết định này, Mỹ đã đánh mất vai trò trung gian hoà giải của mình trong tiến trình hoà bình giữa Israel và Palestine và rất có thể Nga sẽ nắm cơ hội này để thay thế vai trò của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang trở lại Trung Đông một cách mạnh mẽ thông qua các sáng kiến giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Bị phản ứng dữ dội như vậy, chính quyền Mỹ phải cất nhắc hết sức kỹ lưỡng việc triển khai thực hiện quyết định dời đại sứ quán Mỹ về Jerusalem. Theo luật pháp Mỹ, quyết định này phải được xem xét lại sáu tháng một lần. Vẫn còn cơ hội để Tổng thống Donald Trump xem xét trì hoãn việc thực hiện quyết định của mình.

Quy chế của thành phố Jerusalem cần phải được giải quyết trong khuôn khổ một giải pháp toàn diện cho vấn đề Palestine. Mọi giải pháp phải bảo đảm việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên trong đường biên giới 4/6/1967 với Thủ đô là Đông Jerusalem. Đây là con đường duy nhất để đem lại hoà bình, an ninh và ổn định cho khu vực Trung Đông.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại