Dòng chảy khí đốt thế giới đảo ngược khi nhu cầu từ châu Á tăng vì nắng nóng

Vũ Ngọc Diệp |

Nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Á trong tháng 7 tăng cao nhất 6 tháng qua, trong khi ở châu Âu quay đầu giảm. Xu hướng này trái ngược với giai đoạn giá khí đốt châu Âu tăng vọt lo ngại khủng hoảng năng lượng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Dòng chảy khí đốt thế giới đảo ngược khi nhu cầu từ châu Á tăng vì nắng nóng - Ảnh 1.

Nhập khẩu nhiên liệu siêu lạnh của châu Á theo dữ liệu của công ty phân tích hàng hóa Kpler ước tính là 21,85 triệu tấn trong tháng 7, tăng so với mức 21,28 triệu tấn của tháng 6 và là mức cao nhất kể từ tháng 1.

Trong khi đó, nhập khẩu của châu Âu ước tính đạt 8,72 triệu tấn trong tháng 7, giảm so với 9,06 triệu tấn của tháng 6 và là tháng thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.

Dữ liệu của Kpler cho thấy nhập khẩu của châu Á tăng 570.000 tấn trong tháng 7, trong khi của châu Âu giảm 340.000 tấn.

Dữ liệu nhập khẩu và giá cả cho thấy có rất ít sự gia tăng ở cả hai quốc gia nhập khẩu LNG chủ chốt mặc dù mùa hè ở phía Bắc thường là thời kỳ nhu cầu tăng cao, đặc biệt là khi thời tiết nóng hơn bình thường, như trường hợp gần đây ở cả châu Âu và châu Á.

Trong số các nhà nhập khẩu lớn của châu Á, nhu cầu của Trung Quốc vẫn thấp, ước tính lượng hàng đến trong tháng 7 là 5,88 triệu tấn, giảm so với 6,20 triệu tấn trong tháng 6, theo dữ liệu của Kpler

Nhật Bản, quốc gia năm ngoái đã soán ngôi của Trung Quốc để giành vị thế là nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu 5,09 triệu tấn LNG trong tháng 7, tăng nhẹ so với 4,85 triệu tấn trong tháng 6, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 6,71 triệu tấn trong tháng 7 năm ngoái.

Hàn Quốc, nước mua LNG lớn thứ ba thế giới, đã nhập khẩu 2,81 triệu tấn trong tháng 7, giảm nhẹ so với 2,92 triệu tấn của tháng 6.

Ấn Độ, được coi là khách hàng nhạy cảm với giá, đã nhập khẩu 1,84 triệu tấn trong tháng 7, tăng một chút so với 1,77 triệu tấn của tháng 6 và phù hợp với 1,88 triệu tấn từ tháng 7 năm ngoái.

Sự thay đổi khiêm tốn về khối lượng ở hai khu vực nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới không đủ để tác động nhiều đến giá giao ngay, như có thể thấy qua sự ổn định tương đối giá khí đốt ở châu Á.

Giá khí đốt ở châu Á đang trong xu hướng tăng

Giá LNG giao ngay đến khu vực Bắc Á tuần vừa qua ở mức 10,9 USD/mmBtu, hạ nhẹ so với 11 USD của tuần trước đó, nhưng xu hướng chung vẫn là đang tăng do thời tiết khu vực nắng nóng trong mùa hè này.

Tuy nhiên, giá này hiện vẫn thấp hơn 84% so với mức cao nhất mọi thời đại là 70,50 USD/mmBtu, đạt được vào tháng 8 năm ngoái khi nhu cầu ở châu Âu tăng trong khi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống của Nga bị thu hẹp do xung đột với Ukraine.

Trên thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước tháng 8 đã chuyển hướng tăng theo đà đi lên của giá gas trên thị trường thế giới.

Theo đó, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 8/2023 tại thị trường Hà Nội là 380.160 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.520.640 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 26.360 đồng/bình 12 kg và 105.640 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).

‎Toby Copson, trưởng bộ phận giao dịch của Trident LNG, cho biết: "Nhu cầu ở châu Á hiện đang ở mức tốt nhất, về cơ bản hầu hết các công ty lớn đều có nhu cầu mua mạnh do những đợt nắng nóng có thể dẫn đến tình trạng thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn".

Nhiều khu vực ở Bắc Á trong những tuần gần đây vật lộn với những đợt nắng nóng, trong đó Hàn Quốc lần đầu tiên nâng cảnh báo thời tiết nóng lên cao nhất trong 4 năm khi nhiều khu vực ở nước này có nhiệt độ trên 38 độ C.

Tại châu Âu ngày 4/8, S&P Global Commodity Insights báo giá LNG kỳ hạn tháng 9 ở mức 9,816 USD/mmBtu, thấp hơn 0,15 USD/mmBtu so với giá khí đốt cũng kỳ hạn tháng 9 tại trung tâm TTF của Hà Lan, đồng thời cho biết thêm giá khí trên thị trường Đại Tây Dương tăng do sự gián đoạn nguồn cung.

Nhà phân tích Masanori Odaka của Rystad Energy cho biết: "Giá LNG giao ngay tại châu Á tăng do nhu cầu khí đốt ở hạ nguồn tăng mạnh ở nhiều khu vực khác nhau, những nơi đang phải đối mặt với sóng nhiệt, chẳng hạn như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số khu vực của Trung Quốc".

Tuy nhiên, mức dự trữ cao đủ để đáp ứng nhu cầu tăng lên, khiến một số nhà nhập khẩu châu Á thực hiện chiến lược chờ xem có nên mua vào lúc nay hay không.

"Nhìn chung, đây vẫn là một cuộc chiến giằng co giữa các tín hiệu giảm giá - hàng tồn kho cao ở châu Á và châu Âu, sự phục hồi chậm chạp của nhu cầu Trung Quốc và hoạt động công nghiệp yếu kém của châu Âu - và các tín hiệu tăng giá - các đợt nắng nóng ở một số khu vực của Mỹ, châu Á và châu Âu, và nhiều nhà sản xuất LNG bất ngờ ngừng sản xuất hoặc bảo trì kéo dài hơn dự kiến."

Samuel Good, người đứng đầu bộ phận định giá LNG tại cơ quan định giá hàng hóa Argus, cho biết tác động của nhiệt độ cao hơn đối với nhu cầu LNG cũng bị hạn chế bởi sự sẵn có liên tục của sản xuất năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.

Mức dự trữ khí đốt của Châu Âu ở thời điểm 25/7 đã gần đầy, đạt 84,25%, so với 67,12% vào thời điểm này một năm trước đó.

Nhập khẩu từ Mỹ tăng

Trong số các nhà cung cấp khí đốt cho châu Á, nguồn cung từ Mỹ tăng mạnh.

Mỹ được coi là nhà cung cấp LNG linh hoạt và đã chứng kiến khối lượng chuyển từ châu Á sang châu Âu sau cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, giờ đây quá trình đó đang đảo ngược một phần, với nhập khẩu của châu Á từ Mỹ trong tháng 7 đạt mức cao nhất 18 tháng, theo dữ liệu của Kpler là 2,34 triệu tấn, tăng từ 1,43 triệu trong tháng 6 và 1,91 triệu vào tháng 7 năm ngoái.

Nhập khẩu của châu Âu từ Mỹ giảm xuống 3,45 triệu tấn trong tháng 7, so với 3,88 triệu tấn trong tháng 6 và mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.

Nhập khẩu của châu Âu vào Mỹ cũng giảm 38% so với mức cao nhất mọi thời đại là 5,52 triệu tấn trong tháng 4 và tháng 7 đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.

Dòng chảy khí đốt thế giới đảo ngược khi nhu cầu từ châu Á tăng vì nắng nóng - Ảnh 2.

Tham khảo: Refinitiv

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại