“Đóng băng hạt nhân”: Lối thoát cho hồ sơ Triều Tiên?

Kiều Anh |

“Đóng băng hạt nhân” là giải pháp cho hồ sơ Triều Tiên đang được các nhà ngoại giao Mỹ thảo luận song nó cũng là nguồn cơn chia rẽ Nhà Trắng.

“Đóng băng hạt nhân” – giải pháp mới của Nhà Trắng

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có những bước chân lịch sử trên lãnh thổ Triều Tiên, các quan chức Nhà Trắng đã có những quan điểm bất đồng sâu sắc ngày 1/7 về những yêu cầu đối với nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong khi chuẩn bị nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân.

Biến một cuộc thảo luận từ "kín" thành "công khai", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, cũng là người có quan điểm cứng rắn nhất trong chính quyền Tổng thống Trump đã phản ứng giận dữ trước một bài báo đăng tải trên tờ New York Times về khả năng một thỏa thuận yêu cầu Triều Tiên "đóng băng" các hoạt động hạt nhân để đổi lấy sự nhượng bộ từ phía Mỹ.

Một số quan chức coi việc “đóng băng” này là bước đi đầu tiên nhằm hướng tới một thỏa thuận toàn diện để ông Kim Jong Un hoàn toàn từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân. Ông Bolton tuyên bố trong một thời gian dài rằng Triều Tiên phải dỡ bỏ chương trình hạt nhân và từ bỏ toàn bộ kho vũ khí trước khi nhận được bất kỳ sự nhượng bộ nào.

Trước đó, một số quan chức cấp cao Nhà Trắng trước đó đã đề xuất một hướng tiếp cận mới nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đó là "đóng băng hạt nhân". Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ đóng cửa các cơ sở hạt nhân, dừng chế tạo các loại vũ khí mới song không cần phải dỡ bỏ các vũ khí hiện có trong tương lai gần.

Đổi lại, Mỹ sẽ đưa ra một số nhượng bộ giúp Triều Tiên cải thiện điều kiện sống vốn đang hết sức khó khăn do các lệnh trừng phạt nặng nề hiện nay, cũng như thúc đẩy mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng.

New York Times cũng dẫn nguồn tin thân cận với cuộc thảo luận này cho biết nhiều nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ đều đang cân nhắc đến giải pháp này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - một người luôn tự khắc họa bản thân như một người làm nên thỏa thuận (dealmaker) có vẻ sẽ chấp nhận một quy trình phi hạt nhân hóa từng phần. Rõ ràng, ông Trump không hề đề cập công khai đến tiến trình phi hạt nhân hóa đầy đủ trong cuộc gặp ở khu vực biên giới liên Triều hay ngay cả trong các cuộc thảo luận với các quan chức Hàn Quốc.

Hồi tháng 4/2019, nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới Nhà Trắng, ông Trump đã gợi ý rằng sự nhượng bộ dần dần là điều cần thiết cho cả hai bên.

"Có nhiều thỏa thuận nhỏ hơn có thể diễn ra trước, những thỏa thuận được tiến hành theo từng bước nhưng trong thời điểm hiện tại, chúng ta đang nói về một thỏa thuận lớn. Thỏa thuận lớn là phải loại bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân", Tổng thống Trump khẳng định.

Nhà Trắng chia rẽ về hồ sơ Triều Tiên

Các quan chức Mỹ liên quan đến vấn đề Triều Tiên đều nhận định rằng mục tiêu dài hạn xuyên suốt của Nhà Trắng là khiến ông Kim phải từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân cũng như khả năng phát triển hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, về mục tiêu ngắn hạn, hồ sơ Triều Tiên rõ ràng đang khiến chính quyền Mỹ chia rẽ. Những bình luận công khai của ông Trump là một hàm ý cho thấy ảnh hưởng hạn chế của những cố vấn cứng rắn đến cách tiếp cận hồ sơ Triều Tiên của Tổng thống Mỹ.

Cần phải chú ý rằng ông Bolton không hề xuất hiện trong cuộc gặp Mỹ - Triều ở Triều Tiên. Tháng trước, ông Trump cũng đã từ chối vào phút cuối đề xuất tấn công Iran của ông Bolton.

Cả Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều hối thúc Tổng thống Trump sắp xếp một thỏa thuận lớn với Triều Tiên song ông Pompeo dường như cũng đang để ngỏ đến cách tiếp cận theo từng giai đoạn trước vấn đề này.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra bình luận ngày 1/7. Đêm 30/6, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen E. Biegun đã bình luận với tờ New York Times rằng các ý tưởng đang được thảo luận và đội ngũ của ông "vẫn chưa chuẩn bị bất kỳ đề xuất mới nào trong tình hình hiện nay".

Một số nhà phân tích cho rằng bất kỳ giải pháp nào vẫn phải bắt đầu bằng một cách hiểu chung về phi hạt nhân hóa giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Nhiều tháng sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội kết thúc, không có bất kỳ cuộc tiếp xúc cấp cao nào giữa Bình Nhưỡng và Washington dù sau đó ông Trump và ông Kim trao đổi thư từ cho nhau một số lần.

Tổng thống Trump đã đề nghị ông Pompeo đi cùng ông tới làng biên giới Bàn Môn Điếm cùng với Ivanka Trump và Jared Kushner song Ngoại trưởng Mỹ đã bay tới Mông Cổ theo một lịch trình dự kiến từ trước đó. Trong những cuộc phỏng vấn và những cuộc thảo luận gần đây, ông Pompeo cũng không đề cập đến quan điểm cứng rắn trước đó của ông về việc Triều Tiên phải giao nộp toàn bộ danh sách kho vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Biegun đang cố gắng đưa ra những giải pháp mới mẻ để ít nhất có thể khiến Triều Tiên nhất trí với Mỹ một cách định nghĩa chung về phi hạt nhân hóa, cũng như bắt đầu quá trình dừng các chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, các quan chức tình báo Mỹ đánh giá rằng ông Kim sẽ không bao giờ từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân.

Có một thực tế là sự thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội đang mở ra những cách tiếp cận mới về hồ sơ Triều Tiên.

Chấp nhận phi hạt nhân hóa là một quá trình từng giai đoạn và yêu cầu Triều Tiên "đóng băng" các hoạt động hạt nhân là dấu hiệu cho thấy Mỹ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Dù vậy, các quan chức Mỹ ở cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đều khẳng định các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ cho tới khi Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ các vũ khí và chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực hiện nay, Mỹ có thể sẽ cho phép nhiều hoạt động cứu trợ nhân đạo hơn ở Triều Tiên hoặc một số hoạt động trao đổi kinh tế trong giới hạn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đồng thời hai bên cũng có thể sẽ mở các văn phòng liên lạc ở thủ đô của nhau./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại