Hãng tin Reuters nhận định, đây là ví dụ mới nhất về chiến lược tranh cử “khác người” của Trump.
“Ông trùm” bất động sản đến từ New York đang nỗ lực nhằm giành vị thế vững chắc hơn, bù lại lợi thế mà cựu Ngoại trường Mỹ có thể giành được trước thềm cuộc tổng bầu cử vào ngày 8/11.
Lợi thế này của bà Clinton là một ngân quỹ tranh cử khổng lồ mà bà và các đồng minh dự định sử dụng để mở một cuộc “tổng tấn công” nhằm vào Trump.
Chiến thuật mà Trump đang dùng đối với bà Clintn chính là chiến thuật mà ông đã áp dụng trong cuộc đua giành vị trí đại diện cho Đảng Cộng hòa, đánh bật những đối thủ cùng đảng như Ted Cruz.
Chiến thuật này bao gồm những tuyên bố “hùng hồn” mà các kênh truyền hình Mỹ không thể không phát sóng, nhờ đó Trump có được nhiều giờ đồng hồ xuất hiện miễn phí trên truyền thông và đặt các đối thủ của ông vào thế phòng ngự.
Những “đòn” mới nhất mà Trump nhằm vào bà Clinton bao gồm lục lại lời cáo buộc “cưỡng hiếp” đối với cựu Tổng thống Bill Clinton từ thập niên 1970 và vụ tự tử của một cố vấn của ông Clinton vào năm 1993.
Những sự kiện này đều được chiến dịch tranh cử của Trump liên hệ với bà Clinton.
Trong một đoạn băng video do Trump công bố, nhiều phụ nữ cáo buộc ông Clinton “cưỡng hiếp” hoặc có hành vi quấy rối tình dục đối với họ. Trump còn cáo buộc bà Clinton đã tiếp tay cho việc buộc những người phụ nữ này phải im lặng.
Gia đình Clinton và những người ủng hộ phủ nhận cáo buộc này của Trump, cho rằng những cáo buộc đó là vô căn cứ và có động cơ chính trị.
Tiếp đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post, Trump nói rằng nhà Clinton có thể có liên quan đến cái chết vào năm 1993 của Vince Foster, một cựu trợ lý của ông Clinton và là một người bạn của bà Clinton.
Trên thực tế, 5 cuộc điều tra trước đây đều kết luận rằng ông Foster chết là do tự vẫn.
Trong những phát biểu này, Trump bóng gió về những giả thuyết mà các tờ báo lá cải và những cuốn sách mà tác giả là đối thủ của nhà Clinton đưa ra. Và chiến thuật của Trump có thể đã bắt đầu mang lại hiệu quả.
“Rõ ràng, bà Clinton sẽ có rất nhiều tiền. Sự khác biệt là ông Trump đến nay tự bỏ tiền túi ra tranh cử.
Điều chúng tôi có thể làm trong chiến dịch này là thu hút sự chú ý của truyền thông dựa trên khả năng của ông Trump là một người nói thằng, nói thật”, nhà quản lý chiến dịch tranh cử của Trump, Corey Lewandowsi, phát biểu.
Còn theo ông Kellyanne Conway, một nhà thăm dò dư luận của Đảng Cộng hòa, Trump “đang tiếp tục giữ vị trí thống lĩnh về truyền thông.
Trong chiến dịch của mình, Clinton dành ít thời gian hơn cho việc nói về tương lai, trong khi phải giải thích về quá khứ nhiều hơn bà ấy muốn”.
Trước những lời công kích của Trump, bà Clinton chọn cách “phớt lờ”, và giao việc phản công Trump cho những người làm việc cho chiến dịch tranh cử của bà.
Tuy nhiên, cựu đệ nhất phu nhân cũng đối mặt với nguy cơ bị sứt mẻ hình ành trong lòng công chúng và suy giảm cơ hội thắng trong cuộc tổng bầu cử.
“Điều chúng tôi không thể làm là nhảy xuống bùn với Trump. Ông ta hoàn toàn không có đạo đức hay sự thận trọng gì cả. Tranh cãi với ông ta hoàn toàn là một việc tốn thời gian”, chiến lược gia Dân chủ Jim Manley, một người ủng hộ bà Clinton, phát biểu.
Dĩ nhiên, chiến dịch tranh cử của bà Clinton có nhiều tiền để đấu với Trump. Tính đến cuối tháng 4, trong tài khoản chiến dịch của bà Clinton có 30 triệu USD, so với 2 triệu USD của Trump.
Và siêu Ủy ban Hành động chính trị (Super PAC) ủng hộ bà Clinton có 46 triệu USD, trong khi Super PAC của Trump mới bắt đầu rục rịch đi huy động ngân sách.
Tuy vậy, thực tế đã chứng minh, không phải cứ có nhiều tiền là thắng được Trump. Đối thủ cùng đảng với Trump là Jeb Bush còn có ngân quỹ lớn hơn ngân quỹ của Trump tới trên 100 triệu USD trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Nhưng cuối cùng, Bush bị Trump miêu tả là “thiếu sức sống”, không có năng lực - những đánh giá mà tiền của Bush không bao giờ có thể “đập” lại được.
Các PAC ủng hộ hai đối thủ cùng đảng khác của Trump là Marco Rubio và Ted Cruz cũng đã chi nhiều triệu USD để tấn công Trump.
Nhưng Trump đã dùng khả năng thu hút giới truyền thông của mình để phản công mà chẳng cần chi nhiều tiền cho quảng cáo. Rốt cục, Rubio và Cruz lần lượt bỏ cuộc.
Theo Reuters, Trump đã chứng tỏ được khả năng “chuyên gia” trong việc đào bới những chuyện của quá khứ.
Ông từng nhiều năm yêu cầu Tổng thống Barack Obama công bố giấy khai sinh, bất chấp vô số bằng chứng cho thấy Obama sinh ở Hawaii, bao gồm hồ sơ của Chính phủ Mỹ về việc Obama ra đời ở Honolulu.
Đối với Trump, những vụ công kích như vậy nhằm lôi kéo các cử tri trẻ, những người ở độ tuổi 20-30, còn quá trẻ để tiếp nhận thông tin về các vụ bê bối từ thời Tổng thống Clinton còn cầm quyền.