Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Trump cũng cho rằng Trung Quốc có thể giải quyết thách thức an ninh quốc gia từ Triều Tiên “một cách rất dễ dàng nếu họ muốn”, thúc đẩy áp lực lên Bắc Kinh để nước này tạo ảnh hưởng, kiềm chế các hành động hung hăng ngày càng tăng của Bình Nhưỡng.
Tân Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ dành cho Liên minh châu Âu EU như một cơ quan quản lý và lần đầu tiên người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định ông thích giải pháp hai quốc gia đối với cuộc xung đột Israel-Palestine nhưng cho hay ông vẫn hài lòng với bất cứ biện pháp nào có lợi cho cả hai bên.
Ông Trump cũng dự đoán rằng nỗ lực thuyết phục các đồng minh NATO đóng góp thêm kinh phí quốc phòng và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Hoa Kỳ sẽ gặt hái được kết quả. “Các quốc gia thành viên có rất nhiều tiền mà”, ông nói.
Khi nhắc đến kho vũ khí hạt nhân Mỹ lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức ngày 20/1, ông Trump được hỏi về dòng tweet hồi tháng 12/2016 mà ông khẳng định rằng Washington cần phải tăng cường và mở rộng vũ khí hạt nhân cho đến khi thế giới trở lại bình thường về vấn đề hạt nhân.
Trong buổi phỏng vấn, tân Tổng thống Mỹ cho hay ông rất muốn nhìn thấy một thế giới không có vũ khí hạt nhân nhưng đồng thời vẫn bày tỏ lo ngại rằng Washington “đã bị tụt hậu về số lượng vũ khí hạt nhân”.
“Tôi là người đầu tiên muốn thấy không một ai còn sở hữu hạt nhân cả, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ được tụt lại phía sau bất kỳ một quốc gia nào kể cả nước đó có thân thiện đi chăng nữa. Hoa Kỳ sẽ không bao giờ đứng thứ hai về sức mạnh hạt nhân.
Sẽ rất tuyệt vời, sẽ là một giấc mơ nếu không có quốc gia nào sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nếu các nước đều đang muốn sở hữu loại vũ khí này thì chúng ta sẽ là người đứng đầu”, ông Trump khẳng định.
Theo thống kê của Ploughshares Fund, nhóm phản đối hạt nhân, hiện Nga đang sở hữu 7.000 đầu đạn trong khi Hoa Kỳ có 6.800 đầu đạn hạt nhân.
Daryl Kimball, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Kiểm soát vũ khí độc lập, cho rằng: “Nga và Mỹ có nhiều vũ khí hơn cần thiết để đối phó với các vụ tấn công hạt nhân từ đối thủ hay từ một quốc gia sở hữu hạt nhân nào khác”.
Theo yêu cầu của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới, hay còn gọi là New START, giữa Nga và Mỹ , đến ngày 5/2/2018 cả hai quốc gia cần phải giới hạn kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình xuống mức cân bằng trong 10 năm.
Hiệp ước này cho phép Washington và Moscow không được sở hữu nhiều hơn 800 bệ phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa liên lục địa, máy bay ném bom hạng nặng được trang bị vũ khí hạt nhân cũng như đặt ra giới hạn cân bằng cho kho vũ khí hạt nhân của hai nước.
Các nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu Tổng thống Trump có muốn hủy bỏ hiệp ước New START hay muốn bắt đầu triển khai thêm đầu đạn hạt nhân? Ông Trump đã gọi New START là “thỏa thuận một bên” trong buổi phỏng vấn.
“Đây lại là một thỏa thuận tồi tệ khác mà Mỹ đã tham gia, cho dù đó là START hay thỏa thuận với Iran… Chúng ta sẽ bắt đầu tạo ra những thỏa thuận tốt hơn”, ông nói.
“Chúng tôi rất tức giận”
Hoa Kỳ đang trong kế hoạch một nghìn tỷ USD, theo đó sẽ hiện đại hóa các tàu ngầm tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom và tên lửa phóng từ mặt đất đang ngày càng lỗi thời sau 30 năm vận hành.
Ông Trump cũng chỉ trích việc Nga triển khai tên lửa hành trình mặt đất là vi phạm hiệp ước 1987, trong đó cấm Nga và Mỹ sử dụng các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất. “Đối với tôi đó là một thỏa thuận lớn”, ông Trump nói.
Khi được hỏi liệu ông có đặt vấn đề này với người đồng cấp Nga hay không, Tổng thống Mỹ cho hay ông sẽ làm như vậy “khi nào chúng tôi gặp mặt”. Tuy nhiên, cho đến nay, ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa có lịch gặp chính thức với ông chủ điện Kremlin.
Phát biểu từ phòng Bầu Dục, ông Trump cũng bày tỏ lo ngại về các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và cho rằng việc tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa cho các đồng minh Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc là một trong những lựa chọn sẵn có.
“Chúng tôi đã có rất nhiều cuộc đối thoại. Chúng ta sẽ xem điều gì có thể xảy ra. Nhưng có một tình huống rất nguy hiểm, đó là Trung Quốc có thể kết thúc hoạt động triển khai này một cách nhanh chóng”, ông Trump nói khi đề cập đến hệ thống phòng vệ tên lửa.
Bắc Kinh đã nói rõ rằng nước này phản đối các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng và cũng lặp lại lời kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như tái vận hành đàm phán 6 bên.
Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm thay đổi thái độ của Bình Nhưỡng thông qua các lệnh trừng phạt thường không có hiệu quả, phần lớn là do Trung Quốc lo sợ rằng những biện pháp mạnh sẽ khiến Triều Tiên sụp đổ và dòng người tị nạn sẽ đổ sang nước này.
Tổng thống Mỹ không nhắc đến khả năng đối mặt với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong tương lai nhưng ông cho rằng biện pháp này có thể đã quá muộn.
“Đã quá muộn. Chúng tôi rất giận dữ vì những gì ông Kim đã làm. Nói thẳng ra là đáng lẽ vấn đề này cần phải được chú ý từ thời Tổng thống Obama”, ông Trump cho biết.